6/25/2015

Nhà báo bỏ đảng (2013) và hôm nay 25/6/2015 bị CSVN bắt


SÀI GÒN (NV) – Ông Phạm Chí Dũng, một đảng viên, đồng thời là nhà báo độc lập, người từng viết nhiều bài cổ xúy cho dân chủ tại Việt Nam, từng bị bắt vào tù, vừa tuyên bố 'từ bỏ đảng Cộng Sản Việt Nam.'

Trong bức 'tâm thư bỏ đảng' viết tại Sài Gòn Gòn hôm 5 tháng 12, 2013, đảng viên có 20 năm tuổi đảng và từng là cán bộ Ban An ninh Nội chính của Thành ủy Sài Gòn này tuyên bố, 'Tôi chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.'



Nhà báo Phạm Chí Dũng. (Hình: Facebook)

Cùng với bức 'tâm thư' ông Phạm Chí Dũng đã gởi đơn 'xin ra khỏi đảng' tới 'Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển,' trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn nơi ông Dũng đang sinh hoạt đảng.

Lý do trong đơn ông Dũng nói rằng, 'tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản.'

Còn bức 'tâm thư' ông Dũng nói việc 'chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam' là ' một quyết định khó khăn trong đời mình'

Theo ông Dũng, ông 'từng xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh' và 'đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa'

Tuy nhiên, 'tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.'

Điều này, theo ông Dũng, đưa đến 'kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.'

Ông Dũng gọi những 'độc đoán về chính trị' tại Việt Nam 'đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi.'

'Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.'

Trong bức tâm thư, ông Dũng cũng đặt câu hỏi, 'đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với đảng?'

Nhà báo độc lập này cho rằng 'thái độ từ bỏ đảng cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.'

Ông Phạm Chí Dũng, qua nhiều nguồn tin cho hay, là con của ông Phạm Văn Hùng một đảng viên cao cấp từng là trưởng ban tổ chức Thành Ủy của Thành Ủy Sài Gòn, từng làm việc dưới quyền của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông còn là một nhà văn, một người viết phân tích thời sự đã có nhiều tác phẩm xuất bản ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

Ông đã viết phân tích thời sự Việt Nam dưới nhiều bút danh khác nhau như Việt Thắng, Viết Lê Quân, Trường Sơn cho báo trong nước như Tầm Nhìn, Doanh Nhân Sài Gòn, VietnamNet. Báo bên ngoài như Phía Trước, BBC Việt ngữ.

Hồi tháng Tháng Bảy, 2012, báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn là tờ báo duy nhất loan tin ông Phạm Chí Dũng bị bắt vì ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ “cung cấp các tài liệu bí mật cho nước ngoài” và “nhận hàng ngàn USD”, nhưng hồi tháng 2 năm nay đã lên tiếng xin lỗi ông Phạm Chí Dũng. Báo này xác định, chưa có cơ sở để xác định ông Dũng đã làm như thế nên lên tiếng xin lỗi.

Vụ bắt giữ ông Phạm Chí Dũng gây xôn xao dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam không chỉ vì sự kiện có một cây bút độc lập bị bắt mà còn vì lúc bị bắt, ông Phạm Chí Dũng đang là cán bộ của nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn. Thời điểm đó, những nguồn tin thân cận với ông Nguyễn Tấn Dũng còn cung cấp thêm các chi tiết, ông Phạm Chí Dũng làm việc cho Tổng cục Tình báo Quân đội, từng là Thư ký của ông Trương Tấn Sang, tham gia blog “Quan làm báo” – nơi cung cấp rất nhiều thông tin, bài viết đả kích ông Nguyễn Tấn Dũng. Đã có một số ám chỉ về việc ông Nguyễn Tấn Dũng bị đả kích kịch liệt là do ông Trương Tấn Sang giật dây.

Một tháng sau Hội nghị Trung ương 6, ông Phạm Chí Dũng được tại ngoại và hồi tháng hai năm nay thì phía Công an Việt Nam quyết định “đình chỉ điều tra” đối với ông Phạm Chí Dũng.

Đây cũng là cơ sở để ông Phạm Chí Dũng yêu cầu tờ Tuổi Trẻ phải đính chính và xin lỗi bởi những thông tin sai lệch mà tờ báo này từng đưa về ông, gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân và uy tín của gia đình ông.

Kể từ khi được trả tự do tới nay, ông Phạm Chí Dũng viết nhiều hơn trước. Các bài viết đều ký tên thật, không dùng bút danh, phân tích sâu về hiện tình chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam với nhiều nhận định mạnh dạn và nhiều đề nghị táo bạo mà hiếm có cán bộ - đảng viên nào, kể cả những người đã nghỉ hưu dám nêu.

Trong chuyến đi ra Hà Nội cách đây ít ngày để gặp bạn bè và một số blogger, ông Dũng cũng bị công an làm phiền và cản trở.

* Dấu hiệu sẽ là một phong trào

Sự kiện nhà báo Phạm Chí Dũng tuyên bố bỏ đảng xảy ra sau một ngày, một đảng viên kỳ cựu và nổi tiếng khác là ông Lê Hiếu Đằng cũng tuyên bố từ bỏ đảng CSVN vì thấy nó đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc.

Ông Đằng, một đảng viên kỳ cựu với 46 tuổi đảng, từng nắm nhiều chức vụ ở Sài Gòn, nói đảng CSVN 'đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.”

Trao đổi với BBC, ông Phạm Chí Dũng cũng cho biết, bác sỹ Nguyễn Đắc Diên một Đảng viên CSVN cư trú ở Sài Gòn cũng vừa tuyên bố ly khai Đảng CSVN.

Trên thực tế, đã có nhiều cán bộ - đảng viên ly khai Đảng CSVN một cách âm thầm bằng cách không tham gia “sinh hoạt Đảng”.

Hồi tháng 6 năm 2012, nhân sự kiện bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu Quốc hội CSVN bị bãi nhiệm vì đã cố tình không nhận là đảng viên CSVN, khi khai lý lịch ứng cử, ông Đinh Văn Quế, cựu Chánh Tòa Hình sự của Tòa án Tối cao, có viết một bài với tựa là "Tự ra khỏi Đảng lặng lẽ”, gửi cho tờ Pháp Luật TP.HCM.

Trong bài, ông Quế cho biết, chuyện đảng viên CSVN “tự ra khỏi Đảng”, bằng cách “không nộp giấy chuyển sinh hoạt Đảng, hồ sơ đảng viên cho tổ chức Đảng nơi mà đảng viên được giới thiệu đến sinh hoạt” rất phổ biến trong nhiều giới như: công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước. Cán bộ, nhân viên các tổ chức xã hội. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an và quân đội.

Ông cựu thẩm phán này nhận định: “Đó là hình thức tự ra khỏi Đảng “trong sạch” và dễ dàng nhất mà nhiều đảng viên đang áp dụng”. Theo ông, thực trạng đó là do: Bây giờ, một bộ phận đảng viên không còn thiết tha với Đảng nữa. Khi hai chữ “đảng viên” không còn có tác dụng đối với họ thì họ tự ra khỏi Đảng.

Bên cạnh số âm thầm “tự ra khỏi Đảng”, càng ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên công khai bày tỏ sự bất đồng với đường lối, chính sách của giới lãnh đạo Đảng CSVN. Số cán bộ, đảng viên đang hoặc đã từng nắm giữ trọng trách trong hệ thống Đảng, hệ thống chính quyền các ngành, các cấp, kể cả quân đội, công an, công khai ký tên vào các kiến nghị, mà hệ thống truyền thông của chính quyền gỉai thích là “do thế lực thù địch, phản động lôi kéo, kích động”, mỗi ngày một nhiều.

Trước đây, cũng đã có một số Đảng viên CSVN công khai tuyên bố ly khai như: anh em ông Huỳnh Nhật Hải (Phó Chủ tịch thành phố Đà Lạt kiêm Thành ủy viên Thành ủy Đà Lạt), Huỳnh Nhật Tân (Phó Giám đốc Trường Đảng tỉnh Lâm Đồng kiêm Ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy Lâm Đồng), ông Phạm Đình Trọng (cựu đại tá quân đội CSVN), ông Nguyễn Chí Đức (người bị một sĩ quan an ninh đạp vào mặt khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội),… vì thấy không thể “tuyệt đối trung thành” với một tổ chức chính trị phản bội lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đôi khi cũng có một số Đảng viên CSVN khác tuyên bố ly khai do uất ức vì bị chèn ép như những nông dân có đảng tịch ở Văn Giang, Hưng Yên,…

Gần đây, giới quan sát hiện tình chính trị Việt Nam đề cập đến khả năng xuất hiện một phong trào mà nhiều cán bộ - đảng viên công khai tuyên bố ly khai Đảng CSVN. Đó có thể là những người đã từng ký tên vào các kiến nghị gửi giới lãnh đạo Đảng CSVN nên cải tổ toàn diện, triệt để vì lợi ích lâu dài của xứ sở và dân tộc nhưng không những không được lắng nghe, việc ký vào các kiến nghị này còn là nguyên cớ khiến họ bị sách nhiễu, đàn áp. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment