Nguyễn Trần Sâm
22-10-2015
Cứ mỗi khi đại hội đảng toàn quốc hoặc địa phương đến gần, người ta lại hay nói đến từ “cơ cấu”.
Từ này nguyên gốc là danh từ, nhưng khi nó được phát ra từ miệng các đảng viên thì thường được hiểu như động từ. Anh ấy “được cơ cấu” tức là được đưa vào danh sách “dự nguồn” cán bộ lãnh đạo. “Mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một lần”, tức là dù nỗ lực thật sự trong nhiều năm nhưng nếu không được bề trên ngó tới để đưa vào danh sách thì cũng chẳng nhằm nhò chi.
Muốn được cơ cấu thì đương nhiên phải thỏa mãn một số tiêu chuẩn. Ở đây sẽ bàn về một trong những tiêu chuẩn đó: “trình độ lý luận”. Nó được hiểu cụ thể là có bằng cấp ở một bậc nào đó về chính trị. Tiêu chuẩn này có thể không phải là quan trọng nhất, vì còn có thể có những tiêu chuẩn được hiểu ngầm nữa, nhưng trong những tiêu chuẩn được xét công khai thì nó gần như là tiêu chuẩn bắt buộc. Muốn được xếp ghế càng cao thì bậc học “lý luận” cũng càng phải cao. Một nhân sự được cấp trên chú ý và có ý định xếp vào một ghế nào đó nhưng chưa có trình độ lý luận tương ứng thì sẽ được bố trí đi “học” để kịp có tấm bằng “lý luận” cần thiết trước khi “cơ cấu”.
Như vậy, có thể nói mỗi quan chức VN hiện nay là một “nhà lý luận”. Cấp càng cao thì trình độ lý luận cũng càng cao. Đến chủ tịch hội đồng lý luận trung ương thì trình độ cao chót vót, đến mức dân đen chúng ta không thể tưởng tượng nổi.
Vậy vì sao mà cái trình độ lý luận đó nó quan trọng đến vậy, đến mức khi “cơ cấu” thì bắt buộc phải xét đến nó?
Theo chính cái “lý luận” mà các quan chức đảng học và dạy lại cho nhau thì những người trong đội ngũ của họ là những người dẫn dắt dân tộc (và nhân loại) trong công cuộc xây dựng cái xã hội ưu việt nhất. Vì cái tính ưu việt nhất đó mà những người xây dựng nó, đặc biệt là những người “lãnh-chỉ đạo”, cần phải học rất nhiều về cái thứ khoa học cao siêu nhất này. Nếu như trong một quốc gia tư bản, các quan chức chỉ cần có bằng cấp về luật hoặc kinh tế, thậm chí có thể “nhảy” sang từ lĩnh vực khoa học tự nhiên (như thủ tướng Đức Angela Merkel hoặc bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter,…), rồi sau đó học làm chính trị từ thực tiễn hoạt động, thì ở một nước XHCN quan chức nhất thiết phải có “trình độ lý luận”, phải qua các trường đảng. Nói như thế để thấy xây dựng xã hội tư bản chủ nghĩa nó dễ dàng như thế nào, còn xây dựng CNXH thì “học” mãi mà làm vẫn hỏng. Cho nên gần chục nhà nước XHCN mới sụp đổ tan tành. Kể cả Liên Xô, thành trì của phe XHCN, cũng không tránh khỏi tan rã.
Nhưng đó chỉ là những điều mà các quan chức nói ra với dân chúng. Trên thực tế, chẳng ai không hiểu rằng các thứ “lý luận” đó là hoàn toàn vô tích sự. Nó chẳng giúp gì cho việc học hành, làm ăn, nuôi con nuôi cái của chúng ta cả. Không những thế, ngay cả đối với các quan chức thì nó cũng không giúp gì cho việc điều hành bộ máy nhà nước. Thậm chí ngay trong việc thăng tiến của họ, họ cũng không áp dụng tí nào cái thứ học thuyết viển vông đó. Chính họ, trong những phút nói thật với người thân, họ cũng phải thừa nhận rằng tất cả những thứ họ được nghe rao giảng trong các trường đảng, các học viện chính trị, đều là những thứ không đem lại lợi lộc gì cho bất kỳ ai.
Thế nhưng, chính cái sự vô bổ của các thứ “lý luận” nói trên làm cho nó trở nên cực kỳ quan trọng khi “cơ cấu” đấy. Đúng vậy, nếu nó hữu dụng thì nó lại không quan trọng lắm khi lấy nó làm tiêu chí đề bạt. Nó quan trọng chính bởi vì nó nhảm nhí và vô dụng!
Vì sao vậy? Để hiểu rõ sự tình, trước hết xin quý vị hãy nói xem: Một kẻ biết một điều là phi lý, nhưng vẫn nói về nó như nói về chân lý tuyệt đối, chỉ vì điều phi lý đó được thượng cấp nói ra, thì là một kẻ như thế nào? Tất nhiên, đó là một kẻ luôn sẵn sàng đi theo cấp trên, nói theo cấp trên, cùng hành động với cấp trên vì quyền lợi chung của tập đoàn. Quý vị hãy hình dung, liệu một kẻ không chịu nổi những điều phi lý có thể trở thành thuộc hạ tâm phúc của người nói ra những điều phi lý đó hay không? Đương nhiên là không.
Như vậy, khả năng chấp nhận vô điều kiện những điều nhảm nhí mà cấp trên nêu ra chính là một tiêu chuẩn tối quan trọng để làm thước đo về lòng trung thành. Và đó là lý do vì sao “trình độ lý luận” lại quan trọng đến vậy khi “cơ cấu”. Khả năng có thể ngồi im liên tục nhiều giờ để nghe rao giảng những điều phi lý, và cố gắng nói lại sao cho thật giống như đã nghe từ miệng cấp trên, là một khả năng đặc biệt. Nó được “hun đúc” khi người ta ngồi nghe hàng mấy năm trời trong các trường chính trị, ngồi ngày này qua ngày khác trong những buổi họp để nghe cấp trên “dạy bảo”. Những kẻ đã được trui rèn kiểu đó sẽ tạo ra một môi trường an toàn cho sự tồn tại của “hệ thống”.
Đó chính là lý do căn bản để “trình độ lý luận” trở thành một trong những tiêu chí quan trong bậc nhất khi “cơ cấu”.
Chỉ có điều, cái lòng trung thành đó thực ra không hẳn là trung thành với thượng cấp. Chính xác thì đó là sự trung thành với quyền lợi cá nhân của chính mình. Sự trung thành với cấp trên chỉ là bàn đạp để đạt tới quyền lợi cá nhân. Và như vậy, đến khi sự trung thành với cấp trên trở nên mâu thuẫn với quyền lợi cá nhân thì kẻ thuộc hạ sẽ chọn hành động vì quyền lợi. Nghĩa là họ vẫn có thể bán rẻ thượng cấp.
No comments:
Post a Comment