(VienDongDaily.Com - 28/10/2015)
Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH
Đô đốc Harry B. Harris tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương nhận định Trung Cộng đang xây Vạn Lý Trường Thành (VLTT) trên Biển Đông -xây bằng cát bơm từ lòng biển lên, và bằng tham vọng tóm thâu toàn vùng Đông Nam Á, như tham vọng tóm thâu lục quốc ngày xưa. Tham vọng của Trung Quốc đã từng dìm Á Châu trong những cuộc chiến tranh xâm lược phát xuất từ Trung Quốc, và chiến tranh giải phóng dài hàng ngàn năm của những lân quốc bị Trung Quốc cưỡng chiếm và cai trị. Việt Nam đã chịu đựng bốn cuộc chiến tranh như vậy.
Các quân nhân trên chiến hạm USS Lassen đang tập dượt công tác cứu người tại Biển Đông vào cuối tháng Chín 2015. (Hình US Navy)
Nhưng năm nay VLTT cát của Trung Cộng đang bị chọc thủng.
Lực lượng tiên phong trong việc chọc thủng VLTT cát là chiến hạm USS Lassen của Hoa Kỳ. Sáng thứ Ba, 27 tháng Mười, 2015, chiến hạm USS Lassen tiến vào hải phận Trường Sa; Lassen dài 155 thước, trang bị hỏa tiễn điều khiển bằng radar, với một thủy thủ đoàn 320 người, và có tốc độ 56 cây số/giờ.
Chiến hạm này từng đặt dưới quyền chỉ huy của trung tá Lê Bá Hùng từ ngày 23 tháng Tư 2009 đến ngày 17 tháng Chạp 2010.
Chiến hạm USS Lassen
Hạm trưởng Lê Bá Hùng
Trung Cộng cưỡng chiếm Trường Sa và phát động một công tác kiến trúc vĩ đại, thổi cát từ lòng biển lên, biến một phần hải đảo này thành một hòn đảo nhân tạo, đặt tại đó một căn cứ hải quân và tuyên bố chủ quyền lãnh hải trên chu vi 12 hải lý (22 cây số) quanh Trường Sa.
Trung Cộng chiếm Trường Sa và đòi chủ quyền lãnh hải
Dùng cát dưới lòng biển biến một phần hải đảo thành một hòn đảo nhân tạo
Chiến hạm USS Lassen tiến vào vùng lãnh hải 12 hải lý đó, và Trung Cộng không có hành động bảo vệ lãnh hải như họ thường hăm he.
Việc chiếc USS Lassen “vi phạm” hải phận Trường Sa là hành động phủ nhận “chủ quyền” của Trung Cộng tại đây. Trên không phận Trường Sa những chiếc thám thính cơ P-8A và P-3 bay lượn, quan sát.
Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương cho biết những cuộc hải hành tương tự sẽ được tiếp tục. Một viên chức Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng, Hawaii nói với truyền thông, “Cuộc hải hành hôm nay không hề là một diễn biến đơn độc, nó chỉ là diễnbiến đầu tiên trong chương trình hải hành bảo đảm là hải lộ Biển Đông vẫn rộng mở.”
Phát ngôn viên Bạch Cung Josh Earnest xác nhận, “Hàng ngàn tỉ Mỹ kim hàng hóa được vận chuyển trên hải lộ Biển Đông, do đó việc bảo vệ tự do thông thương trên Biển Đông là việc vô cùng quan trọng cho sinh hoạt kinh tế toàn cầu.”
Nguyên tắc "bảo vệ hải lộ" được Hoa Kỳ tuyên bố từ nhiều năm nay, nhưng lần này là lần đầu chiến hạm Hoa Kỳ đi vào vùng "chủ quyền lãnh hải" mà Trung Cộng tuyên bố họ nắm giữ quanh những hải đảo họ cưỡng chiếm trên Biển Đông.
Dân Biểu Randy Forbes, chủ tịch ủy ban Hải Vụ Quân Sự của Hạ Viện cổ võ quyết định của Bạch Cung; Forbes nói, “Việc chiến hạm Hoa Kỳ đi vào vùng 12 hải lý quanh công trình kiến trúc của Trung Cộng là điều cần thiết để ngăn cấm không cho Trung Cộng làm mất thế thăng bằng trên vùng Đông Nam Á.”
Phản ứng của Trung Cộng được giới hạn vào địa hạt ngoại giao; thứ trưởng ngoại giao Trung Cộng Zhang Yesui triệu đại sứ Mỹ Max Baucus lên để phản đối kịch liệt và yêu cầu Hoa Thịnh Đốn ngừng ngay hành động mà Bắc Kinh cho là “đe dọa chủ quyền và các lợi ích an ninh” của Trung Quốc.
Trung Cộng cáo buộc Mỹ “cố ý khiêu khích” và cho biết hành động của Hoa Thịnh Đốn chỉ càng khiến Bắc Kinh đẩy mạnh hơn các hoạt động xây dựng tại Biển Đông. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Cộng Lu Kang nói, “Trung Quốc sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động nào gây nguy hại an ninh của Trung Quốc.”
Ông nói Mỹ và Nhật là “những nước ngoài cuộc” trong các tranh chấp ở Biển Đông và không nên can thiệp vào việc này.
Ông Lu Kang từ chối không trả lời câu hỏi của phóng viên truyền thông về việc Trung Cộng có cho tàu chiến, tàu cảnh sát hay phi cơ bám theo chiến hạm Lassen trên đoạn hải lộ chiến hạm này di chuyển bên trong vùng biển thuộc “chủ quyền lãnh hải” của Trung Cộng không, mặc dù truyền thông Trung Cộng loan tin chiến hạm Kunming của Tầu theo sát chiếc Lassen. Thời điểm tàu chiến Mỹ chọc phủng VLTT Biển Đông xảy ra một tháng sau chuyến Mỹ du của chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, cho thấy lập trường đối chọi không dung hòa được giữa hai nước về cuộc thôn tính Biển Đông của Trung Cộng.
Tại Hoa Thịnh Đốn, họ Tập nói Trung Quốc không có ý định quân sự hóa những hải đảo họ đang chiếm giữ trên Biển Đông, nhưng lập trường này vẫn chưa đủ đáp ứng đòi hỏi tự do lưu thông của Hoa Kỳ. Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter tuyên bố phi cơ và chiến hạm Hoa Kỳ sẽ tiếp tục vận chuyển tự do trên những không phận và hải phận quốc tế, và bà Marise Payne, Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc nói Úc sẽ cho phi cơ hoặc chiến hạm thử nghiệm mức độ tự do lưu thông sát cận Trường Sa.
Đang thăm viếng Kazakhstan, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe lên tiếng công khai ủng hộ cuộc hải hành của chiến hạm Lassen trong bài phát biểu tại thủ đô Astana của Kazakhstan; ông nói, “Tôi hiểu việc đó phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động đơn phương của Trung Quốc là mối lo chung đối với cộng đồng quốc tế.”
Tổng Thống Phi Luật Tân Benigno Aquino cũng ra tuyên bố hưởng ứng; ông nói “Tôi cho rằng mọi người đều hoan nghênh việc tái lập cân bằng về quyền lực. Một khi (chiến hạm Mỹ) tuân theo các luật lệ quốc tế, chúng tôi không thấy có vấn đề gì trong việc các tàu này đi qua. Nếu nói ủng hộ tự do hàng hải mà lại tìm cách ngăn cản các tàu bè khác, thì có vẻ không phù hợp,” Tổng Thống Aquino phát biểu trước báo giới.
Trong khi đó, chính phủ Việt Cộng giữ thái độ im lặng.
Nhận định của Đô Đốc Harris, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, không chỉ chính xác mà còn thâm thúy nữa, thâm thúy vì bốn chữ “Vạn Lý Trường Thành,” nói lên tham vọng truyền thống của người Tầu là xâm chiếm đất, chiếm biển bằng sức mạnh, rồi xây thành đắp lũy để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải chiếm được.
Cuộc hải hành đi sát Trường Sa của chiếc Lassen, không chỉ quan trọng thôi, mà nó còn vô cùng cần thiết nữa. Thái độ của Trung Cộng không phản ứng quân sự là dấu hiệu họ ý thức được giới hạn sức mạnh quân sự của họ.
Tuy nhiên, trật tự quân sự và kinh tế trên Biển Đông vẫn chưa được giải quyết, ngày nào cảnh sát biển Trung Cộng vẫn có quyền xua đuổi không cho ngư phủ Việt Nam và Phi Luật Tân đánh bắt quanh Trường Sa, vùng sinh sống truyền thống của ngư dân.
Hải Quân Mỹ và chính phủ Mỹ không đơn phương giúp ngư dân Việt Nam được, nếu chính phủ Việt Nam vẫn cứ nín thinh, bình chân như vại trong lúc mọi nước liên hệ đến Biển Đông đều đã nhiệt liệt ủng hộ việc chiến hạm Mỹ chạy qua VLTT Tầu.
(nđt)
No comments:
Post a Comment