LM Phan Văn Lợi
1-11-2015
Nhà cầm quyền Việt Namg đang bị quốc tế áp lực phải sửa lại các luật bị thế giới coi là phản nhân quyền của họ, các luật mà chỉ có những chế độ độc tài Cộng sản man rợ mới nghĩ ra, bất chấp sự tụt hậu của đất nước, sự điêu linh của đồng bào, sự hỗn loạn của xã hội, sự toàn cầu hóa về tự do dân chủ và sự tác hại lên nền văn minh chung của nhân loại.
Áp lực đó xuất phát một đàng từ việc Hà Nội đã ngồi trên ghế Hội đồng Nhân quyền LHQ từ hơn một năm và đang bước vào ghế Đối tác xuyên Thái Bình Dương hôm 05-10, đàng khác từ những thông tin của các báo lề trái, những bản lên tiếng của các tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự trong nước cũng như những tường trình của các cơ quan chính phủ dân chủ và các tổ chức nhân quyền ngoài nước về các vụ vi phạm quyền con người liên tục của Việt cộng, cụ thể như đàn áp các tín đồ tôn giáo, các nhà dân chủ đối kháng, các tổ chức xã hội dân sự, thậm chí đàn áp dân oan và dân lành.
Trong khoảng một năm gần đây, Quốc hội Việt Nam đang có chiến dịch xây dựng, sửa đổi và xin toàn dân góp ý về một số luật lâu nay gây tranh cãi. Mới nghe thì thấy nhà nước VN quả là thiện chí đầy mình, khiến nhiều người hy vọng. Vì theo quan niệm thông thường, người ta xây dựng hay sửa đổi luật là để đáp ứng hoàn cảnh biến đổi, canh tân tình trạng đất nước, cải thiện quan hệ xã hội, bảo vệ trật tự quốc gia và phục vụ cuộc sống công dân sao cho tốt đẹp.
Thế nhưng trước hết, nên xem thử nhà cầm quyền CSVN quan niệm thế nào về luật pháp. Thiết tưởng chỉ cần mở Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt –nơi mà Hà Nội đã và đang thao túng lũng đoạn, thậm chí xuyên tạc- thì thấy ngay. Wikipedia định nghĩa Luật pháp thế này: “
Luật pháp dưới góc độ luật học được hiểu như là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế”. Xin lưu ý cụm từ “thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền”. Trong khi từ điển thông thường định nghĩa: “Luật pháp là những quy phạm hành vi do nhà nước ban hành, mọi công dân buộc phải tuân theo, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và bảo vệ trật tự xã hội” (Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học Vietlex).
Đi vào thực tế, chỉ cần điểm qua dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật về hội, Luật hình sự sửa đổi và phản ứng của người dân thì rõ tâm địa của đảng và nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
1- Dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo (LTNTG).
Dự thảo này, nay đã tới bản số 5. Trước hết, ta phải tự hỏi làm sao một Nhà nước vô thần đấu tranh (nghĩa là quyết liệt xem tôn giáo như thuốc phiện nguy hại, khác với vô thần hưởng thụ bên tư bản xem tôn giáo chẳng hề cần thiết) và những viên chức không kinh nghiệm tâm linh tôn giáo –thậm chí thuộc bộ Công an (trưởng ban tôn giáo chính phủ hiện thời là trung tướng công an Phạm Dũng)– lại nhảy ra lập luật cho người có tín ngưỡng và nhất là cho niềm tin tôn giáo? Thứ đến, so với Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 có 6 chương 41 điều, DLTNTG năm 2015 lại có tới 12 chương 71 điều, nghĩa là tinh vi hơn, siết chặt hơn. Nó tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho, với đủ mọi loại giấy phép (thể hiện qua những kiểu nói “đăng ký” [nghĩa là xin phép, 23 từ], “chấp thuận” [37 từ], “nhà nước/cơ quan nhà nước công nhận” [10 từ], “quy định” [36 từ] trong đó “quy định của pháp luật” [15 từ]). Một từ ngữ khác, “thông báo” (9 lần) cũng có nghĩa là phải xin phép. Nói tóm, không có chuyện nào trong tôn giáo mà các Giáo hội không phải xin phép nhưng nhà cầm quyền lại chẳng bị buộc phải cho phép! Tất cả nhằm mục đích giới hạn tự do tôn giáo cách nghiêm ngặt hơn và kiểm soát, khống chế, lũng đoạn các Giáo hội cách thâm độc hơn. Nghĩa là buộc các Giáo hội phải im tiếng trước sai lầm và tội ác của nhà cầm quyền, phải khiêm tốn và nhẫn nại xin nhà nước thí ban cho các ân huệ, và tốt nhất là trở thành công cụ phục vụ chế độ, biết kết hợp nhuần nhuyễn “đạo pháp/giáo lý với xã hội chủ nghĩa”, biết khi thì làm chức sắc phục vụ, khi thì làm công an chỉ điểm! Có thế nhà nước mới nắm được tôn giáo chớ! Thứ ba, DLTNTG có rất nhiều từ ngữ và điều khoản mơ hồ, như “bảo hộ” (thế nào là bảo hộ?), “hợp pháp” (thế nào là hợp pháp?), “hoạt động trái pháp luật” (thế nào là hoạt động trái pháp luật?), nhất là ở Điều 6 (Các hành vi bị nghiêm cấm), khoản 5b, c, d, đ và khoản 7. Tất cả tạo cơ hội để nhà cầm quyền và các viên chức địa phương tha hồ giải thích tùy tiện nhằm cấm cản hay thậm chí đòi hối lộ. Thứ bốn, bản văn có rất nhiều điều khoản mâu thuẫn với nhau. Chương X và chương XI không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, hoàn toàn mang tính chất áp đặt quyền lực của Nhà nước lên các Giáo hội và tổ chức Giáo hội, thành thử mâu thuẫn với Điều 2 trong Dự thảo cũng như với HP 2013. Nhất là mâu thuẫn với Công ước Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự (điều 18) mà Việt Nam đã ký kết. Tóm tắt, DLTNTG muốn biến các quyền và tự do tôn giáo hay tín ngưỡng thành tội phạm hình sự! Nghĩa là không xin phép tức vi phạm luật.
Chính vì thế, Hội đồng Giám mục VN, trong Nhận định và góp ý đưa ra ngày 04 tháng 5, có viết: “Dự thảo 4 chưa làm rõ mục đích của luật, vì luật được tạo ra nhằm đảm bảo quyền con người, tạo sự bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đem lại bình an cho xã hội cùng cộng đồng dân tộc. Điều kiện tiên quyết đem lại bình an cho cộng đồng dân tộc là việc người dân chu toàn bổn phận làm người, – tu thân, tề gia, trị quốc, – phải mang tính thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Thiên thời là thuận ý trời. Địa lợi là lợi cho truyền thống văn hoá đạo đức dân tộc. Nhân hòa là hoà với lòng nhân, lòng đạo của người dân. Trong bản Dự thảo 4 có những điều luật chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho nhà cầm quyền (như Điều 9, cùng những Điều nói về việc đăng ký…), mà quên đi quyền lợi của người dân, chưa làm rõ tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo. Điều thiếu sót quan trọng nhất của Dự thảo 4 là không công nhận sự “tồn tại” hợp pháp của một tổ chức tôn giáo trước pháp luật Việt Nam, qua việc không công nhận tổ chức tôn giáo là một “pháp nhân” chiếu theo Điều 84-85 của Bộ Luật Dân sự 2005”. Và cuối cùng Hội đồng GMVN thẳng thừng phán quyết: “Dự thảo 4 đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế (Điều 18) và Hiến pháp 2013 (Điều 24). Chúng tôi nhận thấy nó là một bước thụt lùi so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004”.
Hiện giờ thì đã xuất hiện Dự thảo thứ 5, nhưng nó cũng chỉ có những sửa đổi râu ria, nên Hội đồng Liên tôn, trong Bản trình bày về hiện tình tôn giáo tại VN (gởi đến Hội nghị về Tự do tôn giáo vùng Đông Nam Á họp tại Bangkok hôm 29-09), đã tố cáo: “a- Một Nhà nước vô thần với những chuyên viên không có kinh nghiệm sống tôn giáo –thậm chí thuộc bộ Công an- lại lập luật cho niềm tin tôn giáo và cho người có tín ngưỡng. Đó chỉ có thể là một luật kiểm soát sự hình thành và hoạt động của các tôn giáo mà thôi. Dự thảo LTNTG dài gấp đôi Pháp lệnh 2004, do đó tinh vi hơn và siết chặt hơn. b- Dự thảo LTNTG vẫn tiếp tục cơ chế “xin-cho”, nghĩa là buộc phải xin phép đối với mọi hoạt động lớn nhỏ của các Giáo hội, từ việc tổ chức cơ cấu, huấn luyện nhân sự, thủ đắc tài sản, đến việc sinh hoạt phụng thờ, truyền bá giáo lý và liên hệ quốc tế… Mục đích là kiểm soát, khống chế, lũng đoạn các Giáo hội, giới hạn các tôn giáo một cách nghiêm ngặt hơn nữa và hình sự hóa mọi quyền liên quan đến tự do tôn giáo (nghĩa là không xin phép, tức vi phạm luật)”.
Ngày 14 tháng 10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình thường niên về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cho năm 2014. Trong phần phát biểu với báo chí, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế David Saperstein, người chịu trách nhiệm về bản phúc trình, nêu đích danh Việt Nam là trường hợp điển hình của sự vi phạm tự do tôn giáo theo chính sách. Ông nói: “Trong các lần đến Việt Nam, tôi tận mắt thấy các nhóm tôn giáo bị buộc phải trải qua quá trình đăng ký khó nhọc và tùy tiện để được hoạt động hợp pháp. Nhân việc Việt Nam đang xem xét việc tu chính các luật về tôn giáo, chúng tôi đứng cùng với các cộng đồng tôn giáo của quốc gia này trong việc kêu gọi sự nới lỏng các điều khoản bó buộc ấy.”
Và như để áp dụng ngay Dự thảo, trong năm nay người ta thấy có thêm nhiều vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo. Bằng chứng là Hội đồng Liên tôn, mới hôm 10-10, đã ra một kháng thư tố cáo 5 vụ đàn áp sách nhiễu nghiêm trọng nhắm vào Hội đồng và nhiều vụ nhắm vào cá nhân các thành viên. Mới hơn, ngày 13-10, Sở Nội vụ tỉnh Kontum đã có thông báo gửi Tòa Giám mục Kontum về việc không chấp thuận cho một Linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn hướng dẫn tĩnh tâm cho các Linh mục trong giáo phận, mà không nêu rõ lý do. Đây là sự can thiệp trắng trợn vào chuyện nội bộ của Giáo hội Công giáo, đúng theo tinh thần Dự thảo của CS.
2- Dự thảo Luật về Hội.
Hội là một tổ chức tập thể của công dân, mang bản tính tự do, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, căn cứ theo định nghĩa của Wikipedia về xã hội dân sự: “Xã hội dân sự cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường…”
Thế nhưng, theo nhận xét chung của nhiều chuyên gia luật học, dự thảo Luật về Hội của nhà cầm quyền CSVN –với 37 điều, dự tính có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và nhằm thay thế sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20-5-1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Luật quy định quyền lập hội- dự thảo đó đã trao cho cơ quan quản lý nhà nước quyền can thiệp quá sâu vào quá trình thành lập, nhân sự và hoạt động của hội. Xin nêu một vài điểm cụ thể trong Dự thảo:
– Khoản 3 điều 9 quy định về điều kiện thành lập Hội: “Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.” Quy định này hạn chế các tổ chức mới được thành lập nay mai. Bởi lẽ các hội do nhà cầm quyền thành lập trước đó (trên 40, đang quy tụ trong cái rọ Mặt trận Tổ quốc) đã bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chẳng hạn Tổng liên đoàn lao động, Hội nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, Hiệp hội các hội văn học – nghệ thuật… Qui định trên cũng không tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động hợp pháp của các tổ chức hội, trái lại tạo ra sự độc quyền và độc đoán của các hội do nhà nước đẻ ra. Như thế là tước quyền tự do lựa chọn hay thành lập hội theo nhu cầu của công dân.
– Khoản 1 điều 10: “Công dân, tổ chức VN có nhu cầu thành lập hội phải dự kiến danh sách những người tham gia ban vận động hội, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban thành lập hội.” Ban vận động thành lập hội có ý nghĩa quyết định đến việc ra đời của hội. Nếu nó không được nhà cầm quyền công nhận thì hội sẽ chẳng bao giờ hình thành cả. Buộc ban vận động thành lập phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là chuyện vô lý và ngang ngược. Đây là thủ đoạn để nhà cầm quyền loại bỏ ngay từ đầu những ai tham gia thành lập hội mà họ không ưa thích, cụ thể là những ai từng tranh đấu cho nhân quyền dân chủ.
– Khoản 4 điều 21 qui định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và bãi nhiệm chức danh người đứng đầu hội.” Việc bầu người đứng đầu hội là do đa số các thành viên của hội tự do lựa chọn và quyết định. Cơ quan quản lý nhà nước không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của hội và càng không có quyền công nhận hay bãi nhiệm chức danh người đứng đầu hội.
Ngoài ra còn có các qui định can thiệp vào quá trình hoạt động của hội, như khoản 6 điều 20: “30 ngày trước khi đại hội, ban lãnh đạo hội phải gửi thông báo bằng văn bản tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được tổ chức đại hội khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” Đúng ra, ban lãnh đạo hội chỉ cần gửi thông báo về thời gian, địa điểm diễn ra đại hội của tổ chức hội, chẳng cần phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.
Vài phân tích trên cho thấy dự thảo Luật về hội không tôn trọng quyền tự do lập hội của Nhân dân, không tôn trọng nguyên tắc tự do, tự nguyện và tự chịu trách nhiệm của tổ chức hội. Rõ ràng nó nhắm mục đích hạn chế, kiểm soát các tổ chức xã hội dân sự độc lập vốn đang nẩy sinh ngày càng nhiều. Đồng thời các qui định này cũng đi ngược với luật pháp quốc tế. Lời nói đầu của Nghị quyết 15/21 của Hội đồng Nhân quyền có viết: “Quyền tự do lập hội là một trong những thành tố thiết yếu của xã hội dân chủ. vì nó cho phép các thành viên “bày tỏ quan điểm chính trị, tham gia vào các mục tiêu văn học và nghệ thuật và các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa khác, tham gia vào việc thờ phụng tôn giáo và các niềm tin khác, hình thành và gia nhập các tổ chức công đoàn và hợp tác xã, bầu chọn những người lãnh đạo đại diện cho mình và buộc họ phải chịu trách nhiệm“. Cẩm nang giúp thực hiện Quyền tư do lập Hội xuất phát từ văn phòng Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về tự do tụ tập ôn hoà và lập hội cũng có viết: “Quyền Tự do Lập hội là gì? Nói một cách đơn giản, quyền tự do lập hội bảo vệ cho bạn quyền thành lập hoặc gia nhập một nhóm người có cùng lập trường như bạn nhằm theo đuổi những lợi ích chung. Nhóm này có thể là chính thức hoặc không chính thức, và không có bất cứ yêu cầu nào buộc hội này phải đăng ký thì quyền tự do lập hội mới được áp dụng (A/HRC/20/27, trang 14, đoạn 56). Chỉ cần hai người là đủ để thành lập một hội (A/HRC/20/27, trang 14, đoạn 54)” và “Tại sao quyền tự do Lập hội quan trọng như thế? Quyền tự do lập hội là một trong số những nhân quyền quan trọng nhất mà chúng ta sở hữu. Nó là một trong số những quyền cốt lõi – cùng với quyền tự do tụ tập ôn hòa – được thiết kế để bảo vệ khả năng ngồi lại với nhau và phục vụ lợi ích chung của con người. Nó là phương tiện thực hiện nhiều quyền dân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội khác (A/HRC/20/27, trang 5, đoạn 12). Quyền tự do lập hội cũng đóng vai trò quyết định trong sự xuất hiện và tồn tại của các hệ thống dân chủ hữu hiệu bởi vì chúng là một kênh cho phép sự đối thoại, chế độ đa nguyên, tinh thần khoan dung và đầu óc cởi mở, ở đó các niềm tin hoặc quan điểm đối lập hoặc thiểu số được tôn trọng (A/HRC/20/27, trang 20 đoạn 84)”
Tóm tắt lại, Dự thảo Luật về Hội cho thấy nhà cầm quyền Việt cộng không hề từ bỏ não trạng độc tài (duy mình có quyền lực) và toàn trị (phải kiểm soát mọi tổ chức), để cuối cùng công cụ hóa hay ít nhất tê liệt hóa tất cả các thực thể trong xã hội. Chính vì thế mà hôm 01-08-2015, 22 tổ chức xã hội dân sự độc lập tại VN đã có bản lên tiếng phê bình gắt gao và tố cáo thậm tệ Dự thảo này. Phần tiến sĩ Nguyễn Quang A, trao đổi với BBC hôm 24-9/2015, ngay sau khi dự thảo trên được đệ trình, phát biểu đại ý như sau: quan điểm cho rằng ‘dự thảo’ mới là ‘tích cực’ và ‘tiến bộ’ thì đó là một sự ‘ngộ nhận’. Đây là một dự thảo còn tồi hơn cả Dự thảo mười năm trước. Lại nữa, một cái luật để kiểm soát các hội, một luật để quản lý các hội không phải là điều cần có.
3- Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Ai cũng biết Bộ luật Hình sự là một văn bản qui định tội phạm và hình phạt có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do và quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người, đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng,…. của công dân. Bởi thế các hành vi phạm tội được định nghĩa và mô tả trong các điều luật phải rõ ràng và minh bạch, khoa học và cụ thể. Các hành vi bị coi là phạm tội phải thực sự là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải ngăn chặn và trừng phạt.
Thế nhưng, trong dự thảo Bộ luật HS sửa đổi lần này- với 443 điều, được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 41, tháng 9/2015- có rất nhiều qui định mơ hồ, không rõ rệt, rất dễ giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng lạm quyền để bắt giam, điều tra, truy tố, xét xử người vô tội, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Xin nêu vài thí dụ:
– Điều 109. “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân: Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: 1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; 2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm; 3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Về điều này, trước hết phải xác định “chính quyền nhân dân” là một danh từ lạm xưng. Ở VN hiện nay, nhân dân chưa bao giờ thực sự được bầu ra một chính quyền cho mình cả. Chính quyền này là do đảng CS tạo ra sau khi đoạt được quyền lực bằng vũ lực. Đó chỉ là chính quyền cộng sản. Nhưng thôi, hãy nói về nội dung điều 109 này. Khoản 3 thật đáng lưu ý. Người chuẩn bị phạm tội trong trường hợp này là người đang tìm hiểu để thành lập tổ chức, hoặc tìm hiểu về một tổ chức nào đó để tham gia. Hành vi của họ chưa tác động lên xã hội, chưa gây bất cứ nguy hiểm gì cho xã hội. Hoặc sau khi tìm hiểu, họ chỉ dừng lại ở đó mà không thành lập cũng chẳng tham gia vào một tổ chức nào. Do đó hành vi của họ hoàn toàn không thể bị coi là phạm luật và bản thân họ không thể bị coi là tội phạm. Đúng là một quy định hết sức man rợ và vô lý giữa nền luật pháp loài người.
– Điều 117. “Tội làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN VN: 1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước CHXHCN VN, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu gây hoang mang trong nhân dân. 2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Một người làm ra, tàng trữ các thông tin, tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền mà không phát tán thì chả có ai biết. Như thế chẳng gây ra bất cứ hậu quả nào cho xã hội và nhà cầm quyền cả. Ngoài ra, hành vi làm và tàng trữ thông tin, tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền không thể coi là vi phạm pháp luật, là hành vi phạm tội vì đó là quyền phê phán nhận định của công dân. Thứ đến, cụm từ “gây hoang mang trong nhân dân” hết sức hàm hồ. Bởi trong thực tế, có rất nhiều công dân, cơ quan báo chí đưa những thông tin, tài liệu có thật về chính trị, kinh tế, xã hội,… rồi nhiều công dân khác chia sẻ chúng trên mạng xã hội. Và tất nhiên chúng sẽ gây ra sự lo lắng, hoang mang cho mọi người. Nhưng đó là sự thật và nằm trong quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Ngoài ra, điều 177 này còn khiến người ta nhớ đến điều 88 điều thường luật bị quốc tế lên án và đòi hỏi gỡ bỏ. Trước sức ép của quốc tế, Quốc hội VN cân nhắc gỡ bỏ điều 88 này. Nhưng đó chẳng phải là tiến bộ, nhân nhượng. Trái lại điều 117 còn vô nhân đạo hơn điều 88 cũ, vì bổ sung thêm cái mà điều 88 không có. Đó là kể cả người chuẩn bị phạm tội làm ra, tàng trữ, tán phán tài liệu phỉ báng chính quyền, làm hoang mang trong nhân dân nhằm chống nhà nước … cũng bị kết án tù từ 1 đến 5 năm. Đây là chi tiết mà điều 88 trước đó vốn bị lên án nặng nề không quy định.
– Điều 297. «Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc xâm phạm trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 và Điều 338 của Bộ luật này;… c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông».
Về điểm a trên đây, chúng ta tự hỏi «… những thông tin trái với qui định của pháp luật» là những thông tin gì? Qui định ở văn bản pháp luật nào? Rõ ràng đó là một sự mơ hồ, không minh bạch, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng qui kết, chụp mũ, áp dụng bừa bãi của các cơ quan tố tụng, xâm phạm trực tiếp đến quyền tiếp cận thông tin, quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Về điểm c, thì trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng xã hội có vô vàn thông tin. ‘Các hành vi khác sử dụng trái phép’ nói ở qui định này cũng rất chung chung, mơ hồ, chắc chắn sẽ dẫn đến việc áp dụng một cách bừa bãi, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân. Và thực tế đã dẫn đến sự kiện vô số nhà báo tự do, tay viết độc lập, bloggers dân chủ tại VN đã bị sách nhiễu, cấm cản, bỏ tù.
– Điều 343. “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân: 1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Về điều này, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nhận định: “…các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác…” là các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Công dân có quyền sử dụng các quyền tự do dân chủ của mình để bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chính quyền, Nhà nước,… hoặc bày tỏ sự bất bình, phản đối, phê phán chính quyền, Nhà nước khi có các chính sách, đường lối không phù hợp, xâm phạm đến lợi ích của Nhân dân. Bởi lẽ tất cả các chính sách, pháp luật,… của chính quyền, Nhà nước không bao giờ bảo đảm đem lại lợi ích cho 100% Nhân dân. Chắc chắn sẽ có những nhóm thiểu số trong xã hội bị ảnh hưởng. Và những nhóm bị ảnh hưởng có quyền sử dụng các quyền tự do dân chủ để bày tỏ sự bất bình, phản đối, phê phán chính quyền, Nhà nước. Thậm chí những người hoặc các nhóm người không bị ảnh hưởng nhưng họ có quyền bày tỏ sự bất bình, phản đối, phê phán chính quyền, Nhà nước. Tất cả mọi người dân chỉ sử dụng các quyền tự do dân chủ của họ mà đã được Hiến pháp qui định. Không có công dân nào lại đi lợi dụng chính các quyền hiến định của mình. Qui định của điều 343 sẽ bóp chết các quyền tự do dân chủ của Nhân dân. Bóp chết các tiếng nói phản biện xã hội. Không thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, minh bạch của xã hội. Cản trở tiến trình dân chủ hóa và kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Ngoài ra, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này, có hai điều sửa đổi đáng lưu ý là điều 390. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật. và điều 156. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Điều 390. “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật. 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của pháp luật; b) Quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của pháp luật; c) Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của pháp luật; d) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh theo quy định hoặc tuy có lệnh nhưng chưa có hiệu lực thi hành. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: b) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật tổn hại về sức khỏe từ 31% đến 60%; c) Làm người bị giam, giữ hoặc gia đình họ kiệt quệ về kinh tế; d) Đối với người chưa thành niên, người già yếu, người khuyết tật nặng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật tổn hại về sức khỏe từ 61% trở lên hoặc chết; b) Làm nạn nhân tự sát; c) Làm gia đình nạn nhân tan nát, ly tán; d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác”. Thế nhưng, vụ Đỗ Đăng Dư đang gây xôn xao dư luận với những tình tiết từ lý do giam nhốt, hoàn cảnh giam giữ, đến chuyện đưa vào bệnh viện Hà Đông rồi Bạch Mai, từ chuyện em Dư tử vong rồi được an táng đến chuyện gia đình hậu an táng, thái độ của công an đến thái độ của bác sĩ trong toàn bộ vụ việc, từ phản ứng của công luận tới phản ứng của của nhà cầm quyền… Tất cả vụ việc đó cùng gần 300 vụ dân oan bị chế trong đồn công an, trong trại tạm giam mà không hề được xử lý rốt ráo, đúng pháp luật quy chuẩn cho thấy hai điều 390 và 156 chỉ là những trò lừa gạt, có sửa đổi cũng chỉ để làm cảnh.
Kết luận
Chính vì thế, các luật lệ hiện hành tại VN, từ Hiến pháp trở xuống, đều chỉ nhằm mục tiêu củng cố và duy trì dài lâu quyền lực độc tôn của đảng CS. Việc sửa đổi các luật này -mà nhà cầm quyền hiện đang biến thành một chiến dịch do sự thúc bách của Quốc tế và với cái gọi là “sự góp ý của toàn dân”- cũng không ra ngoài mục tiêu ấy. Hà Nội tìm đủ chiêu trò, mánh khóe, để dù có sửa đổi bao nhiêu, các luật đó vẫn giữ bản chất là sức mạnh pháp lý củng cố chế độ cũng như đảng cầm quyền. Đúng như định nghĩa về Luật pháp mà họ muốn trình bày với công luận qua Từ điển Bách khoa mở Wikipedia mà chúng tôi nói ở đầu: “
Luật pháp là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế”.
Nói tóm lại, chiến dịch sửa luật lần này của Hà Nội chẳng phải là để cởi mở theo chiều hướng nhân đạo và dân chủ theo yêu cầu của quốc tế, đòi hỏi của nhân dân chỉ là để siết luật hơn. Chiến dịch đó cho thấy nhà cầm quyền Việt cộng ngày càng thêm thách thức và bất chấp, độc tài và nham hiểm, dối trá và hung bạo. Để làm gì? Để củng cố quyền lực đang bị lung lay trước ý thức ngày càng rõ và phản kháng ngày càng mạnh của nhân dân. Củng cố quyền lực để tiếp tục bóc lột, vơ vét tư sản lẫn công sản cho cạn kiệt, rồi dông thẳng ra ngoại quốc, để lại một quê hương điêu tàn cho bọn ngoại thù Bắc phương đang dòm ngó và chực sẵn.
No comments:
Post a Comment