Phát biểu tại hội Tết của cộng đồng Việt ở Richmond, Virginia
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 27 tháng 2, 2015
Thưa quý vị trưởng thượng, quý vị đại diện các hội đoàn và quý vị trong ban tổ chức,
Không khí rộn rã của chương trình đón Tết của ở thành phố Richmond này làm tôi rất cảm động. Tôi rất vui khi thấy những tà áo dài thật đẹp, khi gặp những đồng bào thân thương thuộc nhiều thế hệ. Trong sự xúc cảm ấy, tôi muốn chia sẻ với quý vị 3 điều mà tôi cho là kỳ diệu.
Điều kỳ diệu thứ nhất là sự trưởng thành vượt bực của tập thể những người Việt ly hương.
Thành phố này cách đây 40 năm không có bóng dáng người Việt. Vậy mà giờ đây chúng ta là một cộng đồng tràn đầy nhựa sống, góp phần sinh động cho xã hội Hoa Kỳ. Người đi trước dắt díu người đi sau. Thế hệ trước chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp. Trong căn phòng này biết bao những người trẻ là chuyên gia, doanh gia thành đạt trong xã hội dòng chính nhưng ở đây vẫn là người con của cộng đồng, của Mẹ Việt Nam.
Trong những thập niên đầu thế kỷ trước các cụ trong phong trào Đông Du gửi được vài chục người đi Nhật với giấc mơ đầu tư cho tương lai của dân tộc; có nằm mơ họ cũng không dám nghĩ rằng một ngày nào có trên 4 triệu con dân Việt ở khắp thế giới tự do, hấp thụ những tinh hoa của nhân loại. Dân tộc Việt Nam không còn bị giới hạn trên giải đất hình cong chữ S mà nay đã rải ra khắp thế giới.
Chính những cố gắng của từng cá nhân, từng gia đình kí cóp xây dựng cuộc sống từ thuở ban đầu bỡ ngỡ cho một đời sống ổn định, một cơ nghiệp vững chãi đã góp phần tạo nên cộng đồng đầy năng lực và sức sống. Giờ đây ở những xã hội dân chủ, tự do, nhân bản, phú cường nhất trên trái đất này đều có cộng đồng người Việt vì những nơi ấy đã đón nhận người tị nạn chúng ta. Trong chớp mắt của lịch sử, những cộng đồng Việt tị nạn đã lớn nhanh như thổi, y như trong truyền thuyết Thánh Gióng.
Đấy là điều kỳ diệu trong hiện tại, chưa hề có trong gần 5 nghìn năm lịch sử của giống nòi.
Điều kỳ diệu thứ hai nằm ở quá khứ gần đây thôi. Đó là Việt Nam Cộng Hoà.
Mới vừa thoát khỏi thân phận thuộc địa, người dân miền Nam vừa phải xây dựng đất nước, vừa cưu mang cả triệu người di cư từ miền Bắc, vừa cầm cự với giặc Tàu xâm lược và cả thế lực quốc tế cộng sản trong khi mình chỉ có nửa nước, nửa dân số và thiếu thốn mọi đằng. Ấy vậy mà trong 21 năm ngắn ngủi, thời gian chỉ vừa đạt tuổi trưởng thành cho một đời người, người dân Việt Nam Cộng Hoà đã xây dựng nên một quân đội hùng mạnh; một nền văn học nghệ thuật phong phú về thi ca, âm nhạc, hội hoạ, nhiếp ảnh, điêu khắc…; một nền giáo dục khai phóng và nhân bản; và rồi y tế, xã hội, báo chí… mà 40 năm sau chế độ cộng sản vẫn không bắt kịp.
Nhân loại có mấy dân tộc làm được điều ấy? Mỗi lần nghĩ đến tôi lại rùng mình cảm phục. Đấy không phải là điều kỳ diệu sao?
Và điều kỳ diệu thứ ba rất đặc biệt vì nó chưa xẩy ra. Nhưng sẽ xảy ra nếu chúng ta biết gom sức mình, những công dân của thế giới tự do, để tạo cho dân tộc Việt Nam một vận hội mới.
Thủa xa xưa chúng ta là Bách Việt. Các bộ tộc Việt sống quây quần và che chở cho nhau mỗi khi gặp nạn, cho đến một ngày giặc phương Bắc tràn xuống như vũ bão, khuất phục và đồng hoá tất cả, chỉ Lạc Việt chạy thoát được xuống phương Nam. Cả mấy nghìn năm sau đó, Lạc Việt phải một mình miệt mài đối phó với giặc Tàu.
Nay chính chúng ta, người Việt ở khắp thế giới tự do, có đầy đủ năng lực để biến mình thành Bách Việt thời đại mới. Cộng đồng Việt ở Mỹ chính là Mỹ-Việt, và ngay tại đây lại có nhánh Richmond-Việt. Và nào là Pháp-Việt, Canada-Việt, Nhật-Việt, Đức-Việt, Anh-Việt, Bỉ-Việt, Úc-Việt, Hàn-Việt…
Bách Việt của thế kỷ 21 sẽ mạnh gấp nghìn lần khi xưa vì tựa lưng vào các quốc gia phú cường và văn minh nhất hành tinh. Bách Việt mới sẽ giải nguy cho Lạc Việt, đem ánh sáng tự do đến cho đồng bào, phát triển đất nước nên cường thịnh và đẩy lùi vĩnh viễn hoạ Bắc xâm. Đấy sẽ là điều kỳ diệu thứ ba.
Để tạo vận hội mới cho dân tộc, xin quý vị hãy cùng đồng hành với chúng tôi trong 3 ngày 18-20 tháng 6 này ở Hoa Thịnh Đốn, với một tâm nguyện chung: “Hành trình đến tự do của chúng ta” sẽ mở đường cho hành trình đến tự do cho cả dân tộc.
No comments:
Post a Comment