DỰNG LẠI MỘT MÙA XUÂN DÂN TỘC,
YÊN BÁI 1930 .
Lời Giới Thiệu:
Cách đây hơn 80 năm, cũng dịp cuối năm, Quốc Dân Đảng đã quyết định chọn ngày mồng hai tết năm Canh Ngọ (10 tháng 2 năm 1930 Tây) để khởi nghĩa đánh các đồn của Tây. Trên 300 đảng viên đã khởi nghĩa tại tỉnh Yên Bái, nhưng thất bại.
Câu chuyện dưới đây là sự hình dung lại những hình ảnh hào hùng của những anh hùng yêu nước, biết chết nhưng vẫn dấn thân vào đồn Tây để đánh đuổi kẻ thù. Họ biết là họ sẽ thất bại, nhưng mong những cái chết của mình sẽ là những động lực cho sự tiếp tục tranh đấu nơi người còn lại. Họ đúng là những liệt sĩ của tổ quốc, không những 13 người lên máy chém ngày 17 tháng 6 năm 1930 nhưng còn mấy chục người bị lên máy chém nữa trước hay sau ngày này, cùng hàng ngàn người bị tù đày trong những nhà tù trong nước hay trong những hải đảo khác trên thế giới vì bị liên hệ trong cuộc tổng khởi nghĩa này.
Theo lịch sử, trên 300 đảng viên này họp ở trong rừng trước ngày khởi nghĩa Yên Bái. Hoàn cảnh và nhân vật của chuyện kể dưới đây hoàn toàn tưởng tượng. Áo Dài Đen là một nhân vật tượng trưng cho một thế hệ thanh niên nằm giữa sự thay đổi lớn về ngôn ngữ và giáo dục: chữ Tây, chữ Hán, chữ Nôm hay chữ Quốc Ngữ; hoặc theo Tây học, Nho học hay Việt học. Nhân vật này cũng băn khoăn về đất nước nhưng lại lưỡng lự không biết tham gia cách nào. Ba cô có mấy cái tên đặc biệt của Quán Chân Đồi là bạn của Áo Dài Đen trong nhóm người đang dậy văn, dậy võ cho thập phương trên chùa Long Ẩn.
Chiều tàn, bầu trời thật ảm đạm. Nắng chỉ còn thoi thóp trên đỉnh của hai ngọn đồi trong Yên Bái. Sao Mây ngồi bó gối trên chiếc chõng tre mắt như đang chìm trong xa vắng. Đẫm Lệ đang xụt xùi bên cạnh. Còn Hồng Trầu thì đi xuống xóm giao hàng từ sáng vẫn chưa về. Ba người bạn từ tỉnh khác, tận trong Nam đã lập nghiệp trong làng này từ vài năm nay. Họ sang lại cái quán dưới chân đồi, lấy tên là Quán Chân Đồi, rồi xây thêm hai chái để bán thêm hàng xén, vải vóc kim chỉ và những thứ cần dùng hàng ngày như dầu hôi, nước mắm cho dân làng. Khách còn dừng chân nơi quán bên đường này để uống bát chè tươi hay ăn đĩa xôi, bát cơm cà cho thêm sức. Mới ngày nào đây đón giao thừa Canh Ngọ trên chùa mà nay đã được 4 tháng.
Áo Dài Đen ngồi trên chiếc ghế gỗ tay liên tục rót nước chè uống hết bát này đến bát khác. Không ai nói với ai lời nào từ trưa nay. Sự việc xẩy ra buổi sáng còn quá kinh hoàng như một cơn ác mộng mà không ai được lay để tính lại.
Áo Dài Đen đưa mắt nhìn lên đồi. Chùa Long Ấn nằm im lìm thấp thoáng trong bóng chiều. Mới gần nửa năm xa bổn sư và ngôi chùa thân yêu mà bao nhiêu điều đã xẩy ra. Thầy bổn sư đã qua đời. Lớp dạy võ đã giải tán. Hai người đảm trách lớp dạy võ là Trần và Đỗ tướng quân đã mất tích.
Áo Dài Đen còn nhớ như in mới vài ngày trước khi mình bỏ lớp áo tu hành, rời chùa về lại quê quán. Những ngày đó chùa tấp nập đón rất nhiều vị sư vãi về chùa ăn mừng đám cưới của sư huynh Nhất Đại thiền sư, hết tu, hoàn tục. Họ đi từng nhóm và cũng đều ghé quán của 3 người bạn gái dưới chân đồi để nghỉ chân giải khát. Cha xứ của nhà thờ cũng đích thân cùng với vài tín hữu đến chia vui với thầy trụ trì.
Lúc ấy cuối năm, ngoài trời tối như mực nhưng trong sân chùa thì vui như tết, đuốc dầu hỏa treo trên những cành cây, hay thắp sáng dưới cội bồ đề. Chỗ này thì sư sãi gặp nhau hàn huyên, luận bàn Phật pháp; chỗ kia thì thầy trụ trì vấn an cha xứ. Sao Mây, Đẫm Mi, Nhạt Nắng và Hồng Trầu cùng nhiều Phật tử cũng lên chùa phụ một tay trong việc nấu nướng cho cả vài trăm người thụ trai mỗi ngày, than mệt đứt ruột.
Sau lễ giao thừa, sân chùa trở lại sự im vắng thường lệ. Thiện nam tín nữ hầu hết đã rời chùa xuống đồi để sáng mai sớm còn trở lại để chúc tết chư tăng cũng như tụng kinh cầu an cho bá tánh ngày mồng một. Sương xuống nhiều, Áo Dài Đen hơi mệt nên cũng lần theo mấy bậc đá xuống tăng phòng để nghỉ ngơi.
Nhưng Áo Dài Đen đã lầm.
Đang định thay quần áo thì thầy trụ trì cho người gọi ADĐ xuống thiền đường ngay, không được chần chờ. Thiền đường là một gian phòng thật lớn nằm ngầm dưới mặt đất, ít người được biết hay lai vãng. Xuống đến nơi, Áo Dài Đen không tin được hình ảnh trước mắt. Hàng trăm vị sư lúc này không còn trong những chiếc áo đà, áo nâu sòng nữa mà thay vào đó là những bộ quần áo dân quê. Họ ngồi sát vào nhau, cũng đến 2, 3 trăm người. Trên bục giảng nơi tượng tổ thiền Thánh Tông có cắm một lá cờ lạ Áo Dài Đen chưa thấy bao giờ. Thầy trụ trì và ba người nữa ngồi trên ghế hướng về những người đang ngồi yên lặng. Chiếc bàn trước mặt thầy trụ trì lại có những vũ khí súng đạn, giáo mác nằm san sát. Áo Dài Đen vội ngồi xuống và cũng im lặng như mọi người, lòng lo lắng không biết có chuyện gì xẩy ra. Mai là ngày cưới của sư huynh mà, và mai cũng là ngày mồng một Tết, sao lại có chuyện này, súng ống để đầy trên bàn. Thiện nam tín nữ chỉ vài tiếng nữa là đã lục đục lên chùa lễ xin lộc rồi.
Thầy trụ trì đứng lên quay về chánh điện, gióng vài tiếng chuông. Mọi người đứng lên theo. Thầy im lặng khấn nguyện trước thiền tổ cả mấy phút rồi quay lại, ra dấu cho mọi người ngồi xuống. Thầy cất tiếng, và chỉ ngay câu đầu Áo Dài Đen đã sững sờ:
- Chào các đồng chí! Cũng may là nhờ cải trang đến chùa như sư sãi và cha đạo đến mừng đám cưới sa di Nhất Đại mà mật thám không để ý. Chúng tôi chào trên 3 trăm đồng chí của chi bộ và tỉnh bộ Yên Bái đã đến đây an toàn. Thay mặt chùa Long Ấn, tỳ kheo Giác Không này chúc các đồng chí và gia đình một mùa xuân …
Thầy trụ trì nghẹn lời không nói tiếp được nữa. Mọi người cũng trầm ngâm. Gian phòng yên lặng như tờ chỉ hình như còn văng vẳng tiếng chuông ngân. Người khách ngồi cạnh thầy trụ trì đứng dậy, ra chào trước lá cờ lạ rồi lên tiếng tiếp theo:
- Chào các đồng chí. Sáng mai mồng một Tết là ngày tổng khởi nghĩa của toàn quốc. Nơi Yên Bái này, chúng ta sẽ khởi cuộc tấn công vào rạng mồng hai Tết. Đã được gần 3 năm từ ngày Đảng được thành lập để đánh đuổi thực dân Tây ra khỏi đất nước và dành lại độc lập cho tổ quốc. Tuy chưa đúng lúc vì chúng ta chưa đủ thực lực nhưng cuộc khởi nghĩa sẽ xẩy ra sớm hơn dự định vì nhiêu lý do…
Nói đến đây, người khách này ngưng lại và nhìn khắp phòng như muốn những lời nói ngấm sâu vào lòng người nghe. Rồi ông nói tiếp:
- Nhiều tháng nay rất nhiều đảng viên đã bị bắt và bị tù tội khi chế tạo vũ khí, lựu đạn. Cũng có rất nhiều đồng chí bị bắt vì bị kẻ thù của đảng ta, và người ham tiền bạc, đã chỉ điểm cho mật thám Tây bắt họ. Rồi vì sự thâu nạp đảng viên không kỹ lưỡng nên có nhiều người gian manh trà trộn vào phá hoại và phản đảng, báo tin cho mật thám phá vỡ nhiều chi bộ của chúng ta. Đảng không thể để nhân lực mất dần và làm nản lòng hy sinh của nhiều đồng chí …
Áo Dài Đen nghe không bỏ xót một chữ nào từ vị khách này và bây giờ mới thấy một hàng chữ viêt trên tấm vải treo trước bàn: Việt Nam Quốc Dân Đảng. À! Ra vậy. Áo Dài Đen nghe phong phanh thầy trụ trì, sư huynh cũng Trần và Đỗ tướng quân nhắc đến đảng kín này vài lần nhưng họ lại ngưng nói tiếp khi Áo Dài Đen đến gần.
Hình như để mọi người suy ngẫm về lời nói trên, người khách ngưng một chút, lấy từ trong túi áo ra một tờ giấy, và ông vừa nhìn tờ giấy vừa nói tiếp:
- Đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí Nguyễn Khắc Nhu, và Phó Ðức Chính bị mật thám vây bắt hụt tại làng Võng La Phú Thọ ngày 8-12-1929. Tuy nhiên, để qua mặt Pháp, các đồng chí lại triệu tập đại hội ngay tại Võng La ngày 26-1-1930 cách hôm nay chỉ có vài tuần, gồm khoảng 20 đại biểu các tỉnh miền Trung du Bắc Kỳ. Sau khi kiểm điểm tình hình, đảng trưởng tuyên bố:
"... Người ta bảo: cần phải đứng trước ở chỗ không thua! Nhưng chúng ta thì đứng trước ở chỗ thua mất rồi! Thế nhưng liệu chúng ta hãy hoãn để tổ chức lại rồi mới đánh có được không? Tôi tin rằng không thể được! Cuộc đời là cả một canh bạc, gặp canh bạc đen, người ta có thể thua sạch hết cả vốn. Gặp thời thế không chiều mình, đảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng, khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các phòng ngục trại giam, âu là chết đi để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta "không thành công thì thành nhân", có gì mà ngần ngại."
Rồi hôm đó đồng chí Trần Hải cũng góp ý:
"Chúng ta có cả ngàn chi bộ dân sự, 4, 5 trăm chi bộ nhà binh, cùng sự ủng hộ của đồng bào, lực lượng chúng ta không đến nỗi yếu kém! Chúng ta đã đứng vào cái thế cưỡi cọp, không thể lùi bước được nữa! Tôi đề nghị đảng ta ra lệnh tổng khởi nghĩa."
Khi hỏi ý kiến để lấy quyết định chung, toàn thể những người có mặt trong hội nghị Võng La đều biểu quyết đồng tâm tổng khởi nghĩa.
Đó là tất cả những diễn tiến dẫn đến ngày hôm nay, tôi xin thay mặt đảng trưởng, báo cáo cho các đồng chí biết. Một số đồng chí đã biết qua quyết định này, còn đồng chí nào chưa biết rõ thì đêm nay được biết.
Không ai nói một lời, hình như ai cũng muốn nghe thêm vì những gì vừa được nói ra chỉ là phần mà ai cũng biết rồi vì đó là lý do họ tập trung ở ngôi chùa này vài hôm nay và những giỏ trái cây, giỏ quà cưới họ mang theo lại là nơi ẩn dấu những vũ khí, đạn, lựu đạn sẽ được dùng đến trong cuộc khởi nghĩa; và cái Quán Chân Đồi lại là nơi họ trao đổi lấy tin tức khi dừng chân, theo như Áo Dài Đen được biết sau đó. Áo Dài Đen cũng nhận ra một số người trong phòng này là học trò lớp võ của chùa. Áo Dài Đen không ngờ ngôi chùa Long Ấn lại là nơi nuôi dưỡng huấn luyện người và cất dấu chuẩn bị vũ khí đạn dược cho Việt Nam Quốc Dân Đảng từ bấy lâu nay.
- Tôi loan báo quyết định của đảng là khuya mai, rạng mồng hai tết chúng ta sẽ khởi nghĩa đánh đổ hai đồn Tây. Ngọn đồi dưới chân đồi trong thành và một đồn Tây nữa nằm trên ngọn đồi đối diện với ngôi chùa này. Hai chị Bắc và Giang đã âm thầm mang vũ khí đến chùa từ nhiều ngày nay, cộng thêm vũ khí từ các đồng chí mang vào, chúng ta có thể đánh gục bọn thực dân cướp nước. Và đây là những đồng chí được giao phó để chỉ huy cuộc khởi nghĩa …
Áo Dài Đen không tin được đôi tai của mình. Những điều mới được tiết lộ quả là những tiếng sét khoáy sâu vào trong ý thức của mình. Chàng đột nhiên thấy mình nhỏ bé và lạc lõng trong khí thế hy sinh của những anh hùng áo vải sẵn sàng xả thân cho đất nước đang ngồi trước mặt mình. Hai cô Bắc và cô Giang dáng người thanh tú nhưng nghiêm trang đang đứng bên cạnh những vũ khí đang được mang ra. Áo Dài Đen thấy 2 người này là bạn của 3 cô bán quán dưới chân đồi vì họ vẫn thăm hỏi nhau. Chàng đâu có ngờ là những người chàng quen biết đều nằm trong một tổ chức cứu nước. Vậy mà bấy lâu nay chàng cứ nằm ngủ trên chữ nghĩa kinh kệ của tiên phật, thánh hiền, coi đời như một cơn huyễn mộng, tối ngày làm thơ, đắm chìm trong thế giới đầy bình yên và xa rời nhân thế.
Buổi họp còn kéo dài, phân chia công tác. Không khí khẩn trương và ít ai nói to. Áo Dài Đen biết là với những võ khí ít oi và nhân sự chỉ có vài trăm người mà đánh vào hai đồn Tây thì phần thua và tử trận trong cuộc tấn công này là điều chắc chắn. Không biết sẽ có còn ai sống sót để trở về với gia đình sau tết này hay không. Áo Dài Đen bây giờ mới vỡ lẽ ra tại sao thầy mình không biết chúc gì với những người mà chỉ còn một hai hôm nữa, không biết họ có còn sống sót để trở về với gia đình mình.
Áo Dài Đen lặng lẽ bước ra nhìn trời đêm. Sao lấp lánh trong đêm trừ tịch như đang chờ đợi linh hồn của những người con của dân tộc sắp bỏ mình cho đất nước. Tâm hồn chàng chìm xuống và chàng không biết phải làm gì đêm nay, ngày mai, ngày sau. Chàng biết rằng sau vụ tấn công, Tây sẽ không để yên, và ngôi chùa Long Ấn chắc chắn sẽ chịu đựng đầy bất trắc. Rồi những bằng hữu đồng môn, sẽ ai còn ai mất. Đột nhiên chàng mong thấy lại lần cuối cùng hình ảnh những thanh niên tập võ trong sân chùa dưới ánh trăng sáng ngời mà sẽ không bao giờ còn trở lại nữa.
- Con nghĩ gì đấy?
Tiếng bổn sư nói nhẹ bên tai. Thầy để tay lên vai Áo Dài Đen, bóp nhẹ và nói tiếp trong khi chàng chưa biết phải trả lời thầy thế nào.
- Con bây giờ biết cả mọi chuyện rồi. Thầy và mấy huynh dấu con vì biết tính con. Chuyện đám cưới của sư huynh con cũng không thật đâu, chỉ là che dấu để mọi người tụ về đây mà mật thám không để ý. Quán Chân Đồi do 3 người bạn gái trông nom cũng để đảng nhờ vả khi cần có chỗ liên lạc. Con biết đấy, võ đường của chùa cũng là nơi đào luyện người có khả năng cho cuộc khởi nghĩa, bây giờ cần đến họ rồi.
- Thưa thầy, rồi số phận của thầy, của chùa và tăng ni sẽ ra sao.
Thầy trụ trì thở dài:
- Chắc sẽ tan tác cả con ạ. Tết này có lẽ là tết cuối cùng thầy trò mình gặp nhau. Thầy muốn con chiều mai, sau khi thiện nam tín nữ đến viếng chùa xin lộc rời chùa, con cũng rời nơi này đến ở náu tại gia đình của người quen thầy giới thiệu. Con cũng trở về sống với người đời đi, con chưa tu được đâu. Sau đêm mai, nếu còn sống sót, chắc thầy và mọi người sẽ phải lẩn tránh một thời gian vì chắc chắn Tây sẽ càn quét khắp nơi, kể cả ngôi chùa này.
Áo Dài Đen lặng người không nói được lời nào. Lời thầy như nói trong một giấc mơ. Sao lại có nhiều giấc mơ lạ lùng đến với chàng chỉ trong thời gian ngắn như vậy. Chàng chưa quên được những giấc mơ vui thú với những thiếu nữ đẹp mới chỉ mấy ngày qua mà lại thêm những biến chuyển sét đánh ngang tai như vầy.
- Thầy cho con mấy bộ áo the, và một ít tiền để con sinh sống, lập nghiệp. Duyên của thầy và con đến đây là đủ rồi con. Con đừng buồn nhiều, thầy cũng nhủ thầy như vậy. Hai hôm nữa thôi con, biết đầu thầy cũng chẳng còn …
Tự nhiên Áo Dài Đen ứa nước mắt. Những nỗi cô đơn chàng phải đối diện hàng bao nhiêu năm sống cô độc sau khi bố mẹ gửi đến chùa đến bây giờ chàng đã đạt được những bất hạnh và vĩnh biệt như thế này sao. Chàng không ngờ thầy mình tình nợ nước trên cả tình yêu đạo pháp, trên cả cái niềm vui vĩnh cửu.
Sương xuống càng lúc càng lạnh. Sau những giây phút nhắn nhủ, thầy trụ trì nói Áo Dài Đen trở về thiền đường ăn tết với nghĩa quân. Thiền đường bây giờ không còn vẻ chay tịnh nữa. Bánh chưng, giò chả, thịt luộc, dưa chua và bánh mứt, hoa quả đang được bầy la liệt trên những mâm đồng và cả trên những chiếc kệ kinh. Lá cờ của đảng cũng đã cất đi. Thầy trụ trì gióng vài tiếng chuông để mọi người im lặng và lên tiêng dặn dò:
- Trong giờ phút thiêng liêng này, tỳ kheo đây không biết nói gì hơn là cầu nguyện tiền nhân phù hộ cho tất cả chúng ta chiến thắng quân thù để giữ gìn đất nước. Trời cũng sắp sáng rồi, chúng ta ăn tết sớm rồi nghỉ ngơi để còn có sức cho ngày mai.
Nói xong, thầy trụ trì và hơn một chục tăng ni đọc kinh cầu an cho mọi người. Ai cũng ngồi trầm tư theo tiếng kinh tiếng mõ. Mấy chiếc đèn dầu hỏa gần hết dầu cháy lập lòe làm thiền đường tối hẳn lại.
Cả ngày mồng một tết, thiện nam tín nữ đến chùa chúc tết tăng ni và xin lộc không lúc nào ngớt. Một số nghĩa quân ngủ thêm không được cũng đi bộ loanh quanh nhưng không ai được ra khỏi sân chùa, có lẽ vì đảng muốn bảo mật cho hành động rạng sáng ngày mai. Áo Dài Đen theo lệnh thầy, lẳng lặng chào từ giã mọi người, thu xếp quần áo, vật dụng cùng 5 bộ áo the thầy cho bỏ tất cả vào hai cái tay nải rồi đợi lúc trời chiều nhá nhem rời chùa vì không muốn ai thấy. Thế nhưng chàng không đi đâu xa, ghé lại quán Chân Đồi, xin ngủ tạm một đêm vì lòng khắc khoải trông ngóng cuộc khởi nghĩa ngày mai nhắm vào đồn binh trên ngọn đồi bên cạnh.
Quả như dự tính, đúng cuối giờ tý tiếng đạn nổ rền trên ngọn đồi sau lưng. Áo Dài Đen, Sao Mây, Đẫm Mi và Hồng Trầu đứng sốt ruột trong sân sau, mắt hướng về phía có tiếng súng. Áo Dài Đen tưởng tượng hình ảnh của những nghĩa quân trong thiền đường đêm trừ tịch đã lầm lũi rời chùa và bí mật leo lên ngọn đồi địch đóng quân mới tối qua và giờ này đang nả đạn tấn công đồn Tây mà thấy lòng nao nao. Họ đang hy sinh cho sự độc lập của đất nước, ra đi mà chẳng hẹn ngày về với gia đình. Còn nhìn lên ngọn đồi trước mặt, ngôi chùa thân yêu đang chìm trong bóng đêm. Áo Dài Đen thấy mình đứng giữa hai ngọn đồi mà sự sống chết và tu hành như không có liên hệ với nhau một tí nào.
Khoảng 4 giờ sáng, tự nhiên bầu trời rền vang tiếng bom. Hình như có hai hay ba máy bay của Tây từ phía Hà Nội bay về đây cứu viện. Vậy thì chết nghĩa quân rồi, 4 người bạn lo lắng. Võ khí thì thô sơ, lựu đạn làm lấy rồi không có áo giáp mũ sắt thì làm sao sống sót với bom đạn được. Máy bay bỏ bom khoảng một tiếng thì ngưng và cũng không còn tiếng đì đùng nũa. Không gian im lặng như tờ, cái im lặng chết chóc rợn người. Sao Mây thắp hương trên bàn thờ cầu nguyện. Bầu trời đêm vẫn lóng lánh những ngôi sao như đang đón nhận những linh hồn nghĩa quân như Áo Dài Đen đã nghĩ đến, chỉ mới đêm qua. Áo Dài Đen lo lắng không biết tính mạng thầy và đồng môn ra sao. Chàng mong thầy và mọi người sống sót, chạy vào rừng ẩn náu rồi ngày sau hãy tính nữa.
Đêm rồi cũng qua đi. Mới sáng tinh sương ngày 10 tháng 2, 1930 mồng hai tết, Sao Mây đã sốt ruột khăn gói gánh hàng nói là đi chợ nhưng để dò la tin tức về cuộc khởi nghĩa. Áo Dài Đen phải lẩn trốn trong quán không thể ra ngoài được.
Đang sốt ruột vì đã quá trưa rồi mà vẫn chưa có tin tức gì thì Sao Mây hốt hoảng về đến quán. Chưa kịp uống ngụm nước, Sao Mây đã khóc nức nở và cho biết cuộc khởi nghĩa có đạt được thắng lợi lúc đầu nhưng sau đó Tây mang máy bay từ Hà Nội về thả bom xuống đầu nghĩa quân và lính trong đồn, nhất là đồn trên đồi đã phản công mãnh liệt nên cuối cùng thì cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Nghĩa quân bị chết gần hết gần hết, một số người bị bắt. Hai người chỉ huy đã bị xử tử trước chợ trưa nay. Hình như sau cuộc đánh tra khảo tù binh Tây biết chùa Long Ấn có dính dáng nên đã mang lính lên khám chùa. Tây mang hết kinh kệ sách báo của chùa đốt sạch sau khi không thấy người nào trong chùa. Ngay bây giờ Tây cho một đội quân đến canh chùa và không ai được lai vãng vì Tây cho đây là cơ sở của giặc. Sao Mây cũng không biết số phận của thầy trụ trì cùng bạn hữu trong n óm dậy văn võ, cùng cô Bắc cô Giang ra sao.
.......
Đang nghĩ ngợi miên man về những ngày VNQDĐ khởi nghĩa rạng sáng mồng 2 tết, bốn tháng trước, thì Hồng Trầu cũng vừa trở về quán, mặt mày bơ phờ. Mọi người nhìn Hồng Trầu như dò hỏi một chuyện gì, Hồng Trầu lắc đầu rồi ứa nước mắt. Đẫm Mi và Sao Mây lại xụt xùi khóc. Áo Dài Đen biết đây là tin buồn lắm. Hồng Trầu đi tìm cô Giang, người yêu của đảng trưởng Nguyễn Thái Học, mấy người mới thấy nhau trưa nay và như vậy thì cô Giang đã trở về quê nhà của người yêu rồi, và mấy người bạn cũng đoán được những gì sẽ xẩy ra nay mai thôi, chỉ mong bạn mình không tự vẫn theo chồng. Nghĩ đến những biến cố xẩy ra trưa nay, Áo Dài Đen còn bủn rủn tay chân.
Áo Dài Đen nhớ lại là từ sáng tinh sương hôm nay, 17/6/1930 lính Tây đã hò hét bắt dân làng ngưng buôn bán để về tụ tập trước đồn lính trong một khoảng đất trống để nhìn cuộc xử trảm 13 đảng viên Quốc Dân Đảng mà theo họ rêu rao đó là những kẻ phản loạn, chống đối chính phủ Bảo Hộ Pháp. Áo Dài Đen và mấy cô chủ quán đã được biết từ tối hôm qua là 13 đảng viên này đã được chuyển bằng xe lửa từ nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội về Yên Bái này để bị hành quyết. Áo Dài Đen cũng biết là cô Giang đã đáp chuyến xe lửa cùng ngày về Yên Bái chứng kiến cảnh chồng mình bị hành quyết.
Giữa khoảng đất trống, nơi đông đảo dân chúng bị bắt chứng kiến, là cái máy chém to lớn nằm sừng sững riêng một nơi. Gần đó là 13 cái quan tài gỗ sơ sài trong có độn rơm lên đến gần một nửa. Áo Dài Đen lúc đó cũng cải trang cho khác ngày thường, cùng 3 chị em bạn quán Chân Đồi len lỏi vào gần để còn được nhìn thấy giây phút sau cùng của những vị anh hùng dân tộc. Áo Dài Đen cũng thấy cô Giang ở phía bên kia của máy chém. Áo Dài Đen cũng tin chắc rằng gia đình, vợ con, cha mẹ của 13 đảng viên cũng có mặt chỗ này. Và, tuy không biết rõ, nhưng Áo Dài Đen cũng linh cảm rằng những người bạn, người anh của mình trên chùa ngày đó mà còn sống sót chắc cũng hóa trang đứng lẩn quất đâu đây.
Trời còn mờ mờ sáng, lính Tây đã chạy ra xếp hàng từ ngục thất trong đồn ra đến ngoài bãi chém. Lính Tây còn xếp hàng chung quanh máy chém nữa, chỉ chừa lại lối đi để giải những người tử tù từ trong đồn ra nơi bị hành quyết. Dân chúng lao xao nhưng không ai lên tiếng phản đối được vì lính Tây cũng trà trộn vào đám đông, súng ống lên đạn để sẵn sàng bắt ai lên tiếng chống đối. Một lúc sau, dù không còn bị lùa, dân chúng lại kéo nhau đến đồn Tây để gửi lời chào vĩnh biệt đến những người bị hành quyết sáng nay. Mà lạ thật, dù rất đông người, nhưng ít ai lên tiếng, nói to. Mọi người yên lặng ủ rũ.
Khoảng 6 giờ sáng, 13 đảng viên lần lượt bị dẫn ra khỏi ngục thất. Người đi đầu là đảng viên Nguyễn Như Liên. Đảng viên Nguyễn Như Liên bị áp nằm trên máy chém và chỉ trong giây lát, đầu anh đã rơi xuống. Nhiều người âm thầm khóc, thương cho một tử sĩ. Rồi từng người một, từng người một, cái máy chém rơi xuống rồi lại được kéo lên. Không ai cầm được nước mắt, nhiều người khóc rưng rức trong nỗi kinh hoàng của cuộc giết người tập thể này. Thấy một cái đầu bị chém rơi đã là một sự kinh hoàng rồi, nhưng sáng nay thì nhiều quá, không còn phản ứng nữa. Những người lính Tây đứng gác chắc cũng không dám nhìn những hình ảnh man rợ này nên nhiều người quay mặt đi. Người thứ 12 bị giết là đảng viên Phó Đức Chính, anh không muốn bịt mắt và muốn nằm ngửa trên bãi máu của các đồng chí để nhìn lưỡi dao rơi xuống cổ mình. Lúc này đám lính Tây, chắc sau khi giết nhiều người quá, cũng không còn bình tĩnh nữa nên cũng không phản đối. Mọi người lúc này cũng không còn sợ lính chung quanh nữa,bắt đầu tỏ những cử chỉ phản đối vụ giết người tàn nhẫn này. Nhiều người quỳ xuống cầu nguyện.
Cũng khoảng hơn một tiếng sau khi bắt đầu, lính Tây giải người cuối cùng ra máy chém. Đó là đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Ông bình tĩnh, nhìn máy chém rồi nhìn mọi người, như tìm cô Giang, như nhắn nhủ gì cho những người ở lại. Nguyễn Thái Học mới hô to 4 chữ “Việt Nam Vạn Tuế” thì lính Tây đã vội vàng ấn ông vào máy chém. Lưỡi dao từ trên cao lại một lần nữa rơi phập xuống.
Mọi người vội vã tản đi khắp nơi. Cô Giang còn nấn ná lại nhưng được người trong đảng kéo đi ngay để khỏi bị Tây nghi ngờ. 13 xác anh hùng người thì đã nằm trong quan tài, người thì đầu mình còn nằm trơ trên bãi đất trống bên cạnh cái máy chém đẫm máu. Máu chảy xuống nền đất, loang ra thật xa. Mặt trời cũng vừa lên. Thật là một địa ngục trên trần gian.
Áo Dài Đen cũng vội vã lách ra khỏi đám đông. Gặp Hồng Trầu đang tìm mình. Hồng Trầu ghé tai Áo Dài Đen nói nhỏ “ chị Giang định về quê Nguyễn Thái Học rồi tự vẫn. Để Hồng Trầu theo lấy thêm tin tức, mọi người đi về quán ngay đi” rồi lẩn mất vào đám đông với cái quang gánh trên vai.
Nắng bây giờ đã tắt hẳn. Trời tối rồi. Bốn người bạn ăn bữa cơm tối bên nhau nhưng không ai nuốt được. Hình ảnh của 13 người dân tranh đấu cho sự độc lập của đất nước bị giết một cách man rợ đẫm máu còn rõ như in. Trên đỉnh đồi, chùa Long Ấn vẫn không hương đèn kinh mõ đang nằm sờ sờ trước mắt, không ai trông nom.
...
Áo Dài Đen muốn từ giã 3 người bạn chủ Quán Bên Đồi, nhưng không biết đi đâu. Đất nước thì đang bị Tây đô hộ, chắc mình không thể yên mà tu học. Áo Dài Đen nghĩ đến về quê cũ, lái đò đưa khách thăm viếng chùa Hương ….
ADD/BHL
No comments:
Post a Comment