Mời bạn đọc thêm:
nmvn
Tết nghèo của người dân thượng nguồn Quảng Ngãi
Quầy bán chuối bồ hương ở chợ những ngày giáp Tết
Những người dân miền núi tỉnh Quảng Ngãi đang phải đón một cái Tết với nguyên tháng Chạp lạnh cắt da cắt thịt. Vì với người miền Trung, đặc biệt từ Quảng Ngãi trở vào, sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà họ quen chịu đựng là nắng nóng chứ không phải rét lạnh. Năm nay, chưa kịp hồi sức sau thiên tai, khí lạnh ùa về, ngày hết Tết đến mà hầu như không khí Tết ở các huyện Nghĩa Hành, Ba Tơ vẫn chưa thấy gì. Đặc biệt, các xã ven sông Vệ như Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, sự đói khổ hiện ra rõ nét.
Quà cứu trợ bị cắt xén
Một người dân xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành kể với chúng tôi:“ Heo, gà… mất hết rồi lấy gì đâu còn, có gì mà vui. Tiền bạc không có, không có gì mua đồ ăn Tết ấy chứ, sau ngập lụt tới giờ còn gì, không có mua gì đâu, không có tiền đâu. Còn đường thì khỏi nói, bụi ngập đầu, thì cái phù sa hồi xưa để lại, giờ nó khô, đi xe thì nó ngập thôi. Không khí Tết không có gì cả, nguyên cả chòm (xóm) lụt, gà vịt chết hết, ra Tết còn chưa làm lại được đâu.”
Anh này cho biết thêm là năm nay, nguy cơ ăn một cái Tết đói ở đây rất cao. Tuy nhà nước có cứu trợ, cứu đói cho bà con nhưng thực chất chỉ cứu trợ, cứu đói qua loa bằng vài gói mì tôm, vài chai nước mắm, vài hai dầu và vài ký gạo. Mà các món quà cứu trợ vừa nói cũng do các đơn vị cá nhân đến địa phương ủy thác cho nhà nước phân phát. Chính vì sự khó khăn trong đi lại để cứu trợ, chính quyền địa phương nhúng quá sâu vào hoạt động cứu trợ nên tiêu cực bùng phát đầy rẫy khắp nơi.
Bằng chứng của những thứ tiêu cực này là ngay cả chủ tịch xã Hành Tín Tây tuy vừa trải qua lũ lụt, bà con nhân dân không có cái để sống, vậy mà ông chủ tịch xã đã mang quà đến tặng chủ tịch huyện với giá trị phần quà không dưới mười triệu đồng. Số tiền để mua quà đương nhiên là trích ra từ ngân sách xã. Trong khi chủ tịch huyện thừa mứa quà Tết, với số tiền mười triệu đồng sẽ cứu được ít nhất là hai mươi gia đình có cái để bỏ vào bụng trong ba ngày Tết. Thế nhưng, chủ tịch xã đã không chọn bà con nông dân mà chọn tặng quà cho cấp trên bằng chính nguồn tiền rên xiết của dân nghèo.
Một người nông dân khác, yêu cầu giấu tên, nói với chúng tôi rằng tuy dân nghèo thế, đói thế nhưng riêng chủ tịch xã, bí thư xã cùng bộ sậu chủ chốt cấp xã vẫn ăn nhậu mỗi ngày, vẫn dắt nhau đi quán sang và Tết về, rượu bia ngập lối đi của họ, ngay cả thức ăn của chó nhà chủ tịch xã cũng còn ngon hơn thức ăn của người dân khó khăn.
Anh này tỏ ra bức xúc khi nhắc đến chuyện cứu đói ngày Tết, vì lẽ, mỗi khi có cứu trợ, cán bộ địa phương đã tranh thủ sự mất mát của bà con để làm giàu, phè phỡn. Và mỗi đợt cứu trợ, cán bộ địa phương giàu ra trông thấy. Bây giờ, lại thêm Tết này, nghe đâu có cứu trợ gạo từ trung ương xuống cho bà con dân nghèo, vậy là thêm một lần nữa, bà con phải ngóng chờ còn các quan thì chễm chệ như một ông trời đang ban phát cho dân.
Sau trận lụt vừa qua bùn non đọng khắp nơi gây rất nhiều trở ngại cho bà con. RFA
Cách làm việc tắc trách của giới quan chức địa phương khiến cho không ít người bất bình, nhất là nhiều gia đình nghèo rớt mùng tơi vì thiên tai đã cuốn sạch nhiều thứ của họ nhưng lại không được xếp vào diện hộ nghèo vì nhà họ có xây tường bằng gạch. Trong khi đó, suất quà của bà con hoàn toàn không đúng với giá trị ban đầu từ bên trên rót xuống hoặc các nhà tài trợ đưa về.
Cái Tết nghèo hiện ra rõ nét
Một người dân xã Hành Tín Đông, thuộc huyện Nghĩa Hành, yêu cầu giấu tên nói với chúng tôi là năm nay, chỉ có các quan chức địa phương mới đón một cái Tết no lưng ấm cật, còn bà con nghèo thì vật vã với Tết vì không có gì để ăn. Vì mùa màng chưa vào vụ thu hoạch, chỉ mới được gieo trồng, còn phải lo để dành tiền mà ra Giêng chăm bón cây, có như vậy mới hy vọng mùa sau mang lại chút lương thực mà sống tiếp.
Hiện nay, những con đường vào các xã ở Nghĩa Hành vẫn còn đọng một lớp bùn non khá dày, trời mưa thì lầy lội, dơ dáy, trời nắng thì bụi bặm, nguy cơ bệnh đường hô hấp rình rập. Có nhiều gia đình, sau trận lụt kinh hoàng vào cuối năm 2013, họ chỉ còn mỗi một tấm chăn để đắp, tấm chăn trở thành vật cứu tinh giúp gia đình họ chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt tháng Chạp.
Không thấy một dấu hiệu gì cỏ vẻ Tết tại đa số nhà dân ở xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. RFA
Một người nông dân khác, tên Trần Xí, buồn bã nói với chúng tôi rằng vấn đề tài sản của bà con bị mất sau lụt 2013, có lẽ phải ba, bốn năm sau mới bù đắp nổi nếu như cả gia đình lao động cật lực và những năm sau này không có thiên tai như năm vừa qua. Với mức thu nhập bình quân đầu người không tới 200 ngàn đồng mỗi tháng từ nghề nông, hiếm có người nào làm nông mà không bị đói khổ trong Tết.
Anh Xí bày tỏ thêm nguyện vọng tha thiết được cứu trợ từ những nhà hảo tâm, vì với bà con bây giờ, cứu trợ nhà nước chẳng thấm béo vào đâu, hơn nữa bà con cũng cần những thức quà mà các nhà hảo tâm trao tận tay, có như vậy, phần quà mới tròn trịa và không bị cắt xén. Hiện tại, đã có nhiều gia đình bôn tẩu làm thuê làm mướn ở miền Nam kể từ ngày sau lũ. Và họ có gọi điện về bà con, báo rằng Tết năm nay không về quê được bởi vì tiền tích lũy quá ít, nếu về ăn Tết xong, việc đi tàu xe vào lại miền Nam sẽ rất khó.
Chúng tôi thử ghé vào một nhà đang ăn cơm trưa, đóng vai người đi mua gỗ cây xá xị về làm tượng và bắt gặp một bữa ăn đạm bạc của gia đình ông Khả. Một gia đình gồm năm người, ngồi quây quanh mâm cơm với một quả trứng vịt luộc dầm nước mắm, một dĩa rau lang luộc và một nồi cơm lưng. Những đứa bé trong nhà ốm yếu, xanh xao đến tội nghiệp vì thiếu ăn.
Chủ gia đình này cho chúng tôi biết thêm là ông đã chuẩn bị Tết bằng một ang nếp để dành từ mùa trước. Ngày 29 Tết này, ông sẽ hong lá chuối để gói bánh Tét cúng ông bà, tổ tiên, chỉ cần chừng đó là đủ. Ba ngày Tết của gia đình ông sẽ có duy nhất món bánh tét và dưa kiệu. Với hoàn cảnh hiện tại của ông, như vậy là quá đủ rồi, chứ còn nhiều người không có cái gì để ăn ba ngày Tết nữa kia! Nói đến đây, ông tiếp tục nhai kĩ và nuốt cơm, gương mặt ông hơi cúi xuống như đang giấu đi nỗi buồn.
Chúng tôi tạm biệt gia đình ông Khả. Và còn nhiều, rất nhiều gia đình như thế, một cái Tết lạnh đang chờ họ!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
THEO RFA
No comments:
Post a Comment