1. CSVN không phải là một "nhà nước pháp quyền" mà là nhà nước "đảng quyền". Đảng chế ra luật và đổi luật hay giải thích luật bất cứ lúc nào đảng muốn.
2. CSVN bây giờ cho rằng "chăm lo cho người yếu thế, người nghèo" là một "tư tuỏng rất lớn", tạo ra "bức chuyển lớn trong nhận thức" .....nhưng còn rất nhiều việc phải làm". Chúng ta tưởng XHCN thì việc lo cho người yếu thế, người nghèo ĐÃ LÀ MỤC TIÊU và HÀNH ĐỘNG TỪ 1945 rồi chứ đâu phải đợi đến năm 2015.
3. Cứ tạm cho là BQV bắt đầu "sửa sai" và bắt đầu lo cho dân nghèo, yếu thế cũng đáng khích lệ đi, nhưng BQV lại đưa ra một đề nghị thay đổi, đó là tỉ lệ vốn đầu tư vào kinh tế vào Doanh nghiệp nhà nước phải it hơn của Doanh nghiệp tư nhân. Đề nghị này chắc chắn là không được đảng chấp thuận vì như thế cái định nghĩa của nền kinh tế CS sẽ là "Kinh tế tập trung định hướng thị trường" mất rồi. Và nếu là như vậy thì sự "rút tiền" từ công ty quốc doanh sang công ty tư nhân sẽ bị giảm đi rất nhiều. Đảng viên sẽ bớt cơ hội làm giầu.
4. BQV muốn từ đảng chuyển từ "tư duy quản lý sang tư duy phục vụ" người dân và công ty làm ăn của người dân vì người dân đóng thuế. Làm cách nào để đổi cái quan niệm và chính sách cố hữu "chủ nhân là làm chủ" này của nhà nước và của đảng này? CSVN có bao giờ là "đày tớ của nhân dân đâu". BQV đưa ra một đề nghị không thể thực hiện được trong một chế độ đảng độc quyền.
5. BQV cho rằng động lực phát triền đất nước trong những năm qua là lao động rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên và tăng vốn đầu tư. BQV quên một yếu tố rất quan trọng, đó là 90 tỉ dollars tiếp máu của người Việt "tị nạn CS" từ nước ngoài gửi về.
6. BQV cho rằng cần cải tổ về khoa học, kỹ thuật, sản xuất,..... Nmvn đề nghị là cả nước Việt Nam hay tập trung chế tạo được những "con ốc chính xác, những bạc đạn (bearing) hoàn hảo" trước đã.
ngaymaivietnam
Sau đây là bài phỏng vấn với tựa đề của báo điện tử này đưa ra:
"Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chấm dứt tư duy "tôi có quyền""
Chinhphu.vn) - Doanh nghiệp (DN) và người dân là người đóng thuế, vì vậy, bộ máy Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất, làm họ hài lòng nhất.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đây là quan điểm mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định khi chia sẻ với PV Cổng TTĐT Chính phủ.
Thưa Bộ trưởng, cách đây 1 năm, ông có nói điều trăn trở nhất của mình là cải cách thể chế kinh tế. Cảm xúc của Bộ trưởng tại thời điểm này là như thế nào?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi cho rằng cái được lớn nhất sau 1 năm là việc đã tạo được sự đồng thuận nhiều hơn trong xã hội, trong Đảng, Chính phủ và Quốc hội về nhu cầu cần phải đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam. Trong đó, thống nhất những tư tưởng lớn là phải sử dụng công cụ thị trường để phân bổ nguồn lực, kể cả giáo dục, y tế, các lĩnh vực công… Còn Nhà nước pháp quyền XHCN sẽ dùng nguồn lực của mình để chăm lo cho người yếu thế, người nghèo được hưởng các dịch vụ về an sinh xã hội. Đây là tư tưởng rất lớn, tạo ra bước chuyển lớn trong nhận thức. Nhưng chúng ta phải thừa nhận vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Dù nhất quán về tư tưởng lớn nhưng khi đi vào hành động cụ thể, ví dụ khi thị trường hóa dịch vụ công, như lĩnh vực y tế, giáo dục, thì lại có quan điểm khác nhau. Về cổ phần hóa DNNN, tôi cho rằng số lượng không quan trọng bằng chất lượng. Vấn đề là cần thay đổi cơ cấu quản trị của DN đó theo hướng hiệu quả hơn. Muốn vậy, tỷ lệ cổ phần hóa của tư nhân tham gia phải lớn hơn tỷ lệ giữ cổ phần của Nhà nước trong DN. DN tư nhân phải trở thành động lực phát triển quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước.
Chúng ta cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho khối DN tư nhân phát triển. Cụ thể như tăng cường tính công bằng, minh bạch trong đầu tư; khuyến khích hoạt động ươm tạo tài năng, ý tưởng mới; hỗ trợ thị trường, cung cấp thông tin cho DN tư nhân về những thách thức khi môi trường hội nhập, cạnh tranh.
Còn đối với DN nước ngoài, chúng ta chỉ kêu gọi những tập đoàn lớn, sở hữu công nghệ nguồn cao và những sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế để tạo động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam. Các hoạt động thanh tra kiểm tra nghiêm túc là rất cần thiết, nhưng phải siết chặt để tránh lợi dụng việc này để gây khó khăn cho DN.
Năm 2015 nhiều luật cơ bản như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã được ban hành, từng bước đi vào cuộc sống. Bộ trưởng có quan ngại về việc sẽ có tình trạng quy định thì tốt nhưng DN chỉ được hưởng lợi một phần hoặc lại bị thắt chặt lại bằng cách nào đó?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trước hết, về 2 Luật này, tôi cho rằng có những tư tưởng rất thông thoáng và xuyên suốt là cố gắng minh bạch nhất, rõ ràng nhất và giúp cho người dân, DN được thực hiện quyền của mình- quyền được đầu tư, kinh doanh tất cả những lĩnh vực ngành nghề mà luật pháp không cấm. Mục tiêu cuối cùng là DN khi tham gia vào thị trường với chi phí rẻ nhất… Nhưng đúng là có tình trạng một số luật khi xây dựng thì tư tưởng cởi mở thông thoáng nhưng những văn bản hướng dẫn như Thông tư, văn bản hướng dẫn thấp hơn… lại siết chặt, thậm chí đi ngược lại. Đó là vấn đề giám sát thực hiện, đảm bảo tính nhất quán, xuyên suốt.
Có trường hợp người thực thi không có cái tâm mà triển khai hoặc vì lợi ích riêng mà lợi dụng kẽ hở để làm khó DN, đặt ra nhiều điều kiện mới.
Vì vậy, cần phải chấm dứt tư duy làm quản lý là tôi có quyền quản anh và tôi có quyền yêu cầu anh mọi điều. Phải chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy làm phục vụ vì DN và người dân là người đóng thuế. Bộ máy quản lý có trách nhiệm phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, làm họ hài lòng nhất.
Gần đây, Bộ trưởng có nói đến bối cảnh của năm 2015 với nhiều lo lắng mà Việt Nam sẽ phải đối mặt- đó là sự tới hạn của các động lực tăng trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có những thành tựu nhất định, nhưng phải thừa nhận rằng động lực để tăng trưởng, phát triển đất nước trong những năm qua chủ yếu theo chiều rộng tức là dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư. Đến nay vẫn cần phải dùng các yếu tố đó để cạnh tranh nhưng những động lực này không còn nhiều dư địa. Thời gian tới, cần phải có động lực mới là dựa vào tiến bộ khoa học, kỹ thuật, trong khi đây là điểm Việt Nam rất yếu. Ngoài ra, năng suất lao động cũng cần phải cải thiện rất nhiều.
Để có những động lực mới, Việt Nam cần đổi mới thể chế kinh tế tạo điều kiện cho các DN phát triển, tạo điều kiện để các nhà khoa học sống bằng những sản phẩm gắn với đời sống thực tiễn, giải đáp những vướng mắc trong sản xuất, tạo ra sản phẩm mới với một chi phí thấp và chất xám cao hơn.
Đó là điều chúng ta cần hiện nay, nhưng Việt Nam hiện không có nhiều sản phẩm như vậy. Tôi cho rằng từ chuyên gia kinh tế đến người bình thường đều hiểu được điều này. Trách nhiệm của Chính phủ là làm thế nào để tạo môi trường và thúc đẩy những nhân tố này.
Kể từ ngày 1/1/2015, Luật Đầu tư công đã chính thức có hiệu lực, đây là một trong những luật được dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy theo ông, đâu là những yếu tố quan trọng giúp cho Luật có thể phát huy tính hiệu quả?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực để hoàn thành 5 Nghị định hướng dẫn để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Trong Luật mới này, quy mô của nhóm dự án loại A phải có chủ trương từ cấp Trung ương, phải có phân tích về hiệu quả kinh tế, xã hội. Đặc biệt, cần quyết liệt rà soát, xem xét kỹ lưỡng các dự án đầu tư công trước khi quyết định đầu tư.
Đồng thời, phải làm tốt kế hoạch đầu tư trung hạn bởi vấn đề cốt lõi trong Luật Đầu tư công là chuyển từ ngắn hạn sang trung và dài hạn, trước hết là giai đoạn 2016 -2020. Đây là vấn đề mới đối với các bộ ngành, địa phương nên sẽ có những vướng mắc, rào cản nhưng phải nhất quán tinh thần “mỗi đồng vốn đầu tư công phải được quản lý tốt, chặt chẽ”, bởi vì chúng ta cần nhiều vốn để phát triển đất nước.
Để làm tốt điều này trước hết là nhận thức của các bộ ngành, địa phương phải cùng đồng tình thực hiện, đồng thời vừa làm vừa phải khẩn trương rút kinh nghiệm hoàn thiện các khung pháp lý. Dù trong thời kỳ đầu thì còn có khó khăn, nhưng khi đã vào “đường ray” rồi thì nó sẽ tiếp tục tiến lên phía trước.
No comments:
Post a Comment