2/28/2015

Tiếp theo một bài đăng hôm nay về sự hung hãn của một số người VN, nmvn cho đăng thêm một bài nhận định nữa về tính khí này (cho đến hôm nay, số người đánh nhau phải vào bịnh viện đã trên 10,000)


 Người Việt ngày càng hung hãn: Nguyên nhân vì đâu?

26/02/2015 12:58

Trước sự việc hơn 6000 người nhập viện, 15 người chết do đánh nhau trong dịp Tết, một loạt tờ báo đã cho tìm hiểu nguyên nhân vì sao người Việt lại ngày càng trở nên hung hãn đến như vậy. Những người được hỏi đều là những chuyên gia, làm việc trong ngành xã hội.
Người dân dễ dàng vung dao chém tới tấp người khác chỉ để cướp phết tại lễ hội “Đả cầu cướp phết”. Ảnh: Tuổi Trẻ
Cali Today News - Phần đa đều cho rằng, nguyên nhân chính yếu xuất phát từ hệ thống giáo dục yếu kém khiến văn hóa ứng xử của người dân “bị xô lệch”. Một số ý kiến khác lại cho rằng, bia rượu trong dịp Tết đã khiến người dân không kiềm chế được việc mình làm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Trên tờ Người Lao Động dẫn lời Tiến sỹ Hoàng Kim Oanh, nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục tiểu học của trường Đại học Sài Gòn cho rằng: “Vấn đề giáo dục văn hóa ứng xử đang bị bỏ quên và việc nhiều người dễ dàng đánh nhau là hậu quả tất yếu”.
Để bổ túc cho quan điểm của mình, Tiến sỹ Oanh cho rằng, trong quá trình giảng dạy, ông và đồng nghiệp rất băn khoăn về nội dung giáo dục trong một số sách giáo khoa được sử dụng trong giáo trình cấp tiểu học hiện nay. Trong rất nhiều câu chuyện mà trẻ em được học, lồng vào đó là những câu chuyện dân gian ẩn chứa những điều phi giáo dục, như: khiến trẻ con có suy nghĩ độc ác, tàn nhẫn để đạt mục đích, những điều này không giúp cho trẻ con hướng thiện mà chỉ khiến cho trẻ em trở nên vụ lợi, chỉ biết cho bản thân. Trong khi đó, rất nhiều câu chuyện cổ tích hấp dẫn, mang đậm nội dung nhân văn đáng lý ra phải được phổ biến thì lại không được đưa vào giảng dạy. Và vị Tiến sỹ này kêu gọi: “Hãy cứu vớt tâm hồn các em ngay từ những bài học yêu thương đầu đời. Đừng để giáo dục vô tình tiếp tay cho cái ác”.
 Bệnh viện là nơi ghi nhận rõ nhất hậu quả từ thói hung hãn của người Việt. Ảnh” Người Lao Động.
Đồng ý với quan điểm của Tiến sỹ Oanh, bà đại biểu Quốc hội Bùi Thị An còn kêu gọi cần phải “rung lên tiếng chuông cảnh báo”, và tự vấn lương tâm, không nên đổ lỗi cho người khác trước thực trạng đau lòng. 
Bà An còn cho biết thêm, trong những lần bà đi đến một số đền chùa, lễ hội cái mà bà thường nhìn thấy là cảnh chen lấn, xô đẩy, cãi vã nhau. Bên cạnh đó, bà còn đòi hỏi phải “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” để làm sao cho nền giáo dục này trở nên nhân văn hơn.
Một ý kiến từ Tiến sỹ Hà Thanh Vân thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ được báo Người Lao Động dẫn lời cho rằng, việc xảy ra việc người dân dễ dàng đánh nhau đến từ: Hậu quả nhậu quá đà.
“ Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến nguyên nhân đầu tiên là do ‘văn hóa nhậu’. Khi nhậu thì xảy ra cãi vã, lời ra tiếng vào, mọi người không kiềm chế được bản thân mình và đánh nhau là phương cách người ta dùng để giải tỏa cơn giận dữ”.
Ngoài những ý kiến trên còn có ý kiến đổ lỗi do “cơ chế thị trường” khiến con người “quay cuồng với tiền bạc” nên thiếu đi tính vị tha, dẫn đến vô cảm và sẵn sàng tước đoạt mạng sống người khác.
Song, theo cách nhìn nhận của chúng tôi, những ý kiến trên chưa phải là toàn bộ làm cho người dân Việt Nam trở nên hung hãn, sẵn sàng “choảng” nhau với bất cứ lý do nào. Có một điều không thể phủ nhận rằng, với chế độ, cách vận hành hệ thống luật pháp theo cảm tính như hiện nay đã làm cho người dân không còn tin tưởng vào pháp luật. Họ không tin rằng, việc đem vấn đề ra cho pháp luật xử lý sẽ khiến mọi việc được ổn thõa. Hay nói khác hơn, người dân không hề tin vào công lý thực sự tồn tại. Bởi vậy, thay vì nhờ vào cơ quan chấp pháp, họ “tự xử” để trực tiếp lấy lại công bằng cho mình.
Rất nhiều ý kiến rất đúng khi cho rằng, giáo dục là nguồn gốc của vấn đề, nhưng các chuyên gia lại không dám chỉ thẳng ra rằng, chính việc áp dụng chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam khiến cho con người ngày càng trở nên độc ác, hung hãn. 
Trong một bài báo mà trước đây chúng tôi đã cho đăng lại một cuộc nghiên cứu về người Đức sống trong vùng Đông Đức, nghiên cứu này đã được Tuần báo The Economist đăng tải. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, hệ thống Xã hội chủ nghĩa theo kiểu Xô Viết xúi giục con người không những có tâm địa xấu mà còn ưa làm chuyện gian trá. Cụ thể là: coi nhẹ vấn đề đạo đức, sự lương thiện.
Nền giáo dục hiện nay không đào tạo ra những con người phục vụ xã hội, mà cốt làm sao sản sinh ra những công dân biết phục tùng, phục vụ chế độ. Bên cạnh đó, nền giáo dục lại còn khuyến khích học sinh phải biết căm thù, từ căm thù “thực dân Pháp”, “đế quốc Mỹ” đến chế độ Sài Gòn. Lồng vào đó là những chương trình giảng dạy kích động bạo lực, gây hận thù, gây chia rẽ, dối trá. Hệ thống giáo dục này còn hướng cho học sinh căm thù ngay cả chính ông bà, cha mẹ, những người đã từng làm việc cho chính quyền Sài Gòn trước đây.
Kêu gọi thay đổi toàn diện nền giáo dục hiện nay nhưng chế độ độc tài Cộng sản vẫn tồn tại thì cũng như ‘bình mới, rượu cũ”, cái cốt lõi vấn đề vẫn không thể nào thay đổi được. Nền giáo dục chỉ được tốt hơn, con người ngày càng văn minh, hành xử với nhau lịch thiệp một chỉ chế độ độc tài hiện nay được thay thế bằng một chế độ mới, văn minh hơn, nhân bản hơn mà thôi.
Người Quan Sát

No comments:

Post a Comment