2/09/2015

NÍU ÁO TƯ BẢN QUỐC TẾ?

Cô Tư Sài Gòn



Có phải quốc tế đang hưởng lợi nhờ các chính sách của nhà nước Việt Nam? Đúng như vậy. Cụ thể là chính sách xuất khẩu lao động, khi thợ Việt Nam sang nước ngoài làm việc, rất nhiều quyền lợi bị bỏ quên hay bị giảm đi, so với người lao động bản xứ. Do vậy, cac1 doanh nghiệp nước khác hưởng lợi, vì rang buộc không có bao nhiêu, thậm chí khi sa thải cũng không nhất thiết bồi thường. Tình hình này nhiều năm đã được báo động – đó là chưa kể các công ty kém tử tế, hay bị lừa gạt.

Nhưng xuất khẩu lao động là chính sách giảm thất nghiệp, nghĩa là giảm căng thẳng cho xã hội VN. Thế nên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm nay, ra định mức là sẽ “Phấn đấu xuất khẩu 100.000 lao động trong năm 2015,” theo trang web của Bộ.

Cụ thể, Bộ cho biết:

“Trong năm 2015, kế hoạch đặt ra là sẽ cố gắng để đạt con số 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam đưa được hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có thị trường lao động chất lượng cao như Nhật Bản đã tiếp nhận lao động Việt Nam với số lượng gia tăng.

Đây là triển vọng tiếp tục được dự báo sẽ duy trì trong năm 2015. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức…”

Muốn biết quốc tế mang ơn lao động xuất khẩu VN thế nào, hãy nghe một quan chức Đài Loan giải thích.

Ông Thị trưởng Chu Lập Luân của thành phố Tân Bắc đã chính thức “Cám ơn sự cống hiến của người Việt đối với ngành sản xuất của Đài Loan.”

Không phải là do quan chức CSVN tuyên truyền. Thực tế là quốc tế hưởng lợi.

Bản tin RTI của chính phủ Đài Loan ngày 1 tháng 2-2015 viết:

“Ngày 1-2 Cục Lao động thành phố Tân bắc kết hợp Văn phòng Kinh tế văn hoá Việt Nam tổ chức hoạt động đón xuân cho lao động Việt Nam tại Đài Loan. Thị trưởng Chu Lập Luân cho biết, tại thành phố Tân Bắc số lao động nước ngoài đã lên đến hơn 77 ngàn người, trong đó lao động đến từ Việt Nam có đến 22. 887 người, ngoài ra di dân mới người Việt cũng có đến 16.502 người, tổng cộng có gần 40 ngàn người Việt ở thành phố Tân Bắc.

Thị trưởng Chu Lập Luân cám ơn các bạn Việt Nam đến Đài Loan làm việc chăm sóc người già yếu bệnh tật để cho nhiều gia đình người Đài có thể yên tâm làm việc, hay tham gia vào các công việc xây dựng cầu đường và các công trình công cộng khác nâng cao sức cạnh tranh của Đài Loan về kinh tế thương mại; còn di dân mới người Việt sang Đài Loan với tư cách kết hôn cũng đã cống hiến to lớn đối với xã hội Đài Loan vì họ giúp cho xã hội an định, gia đình hoà hợp và phát triển.

Cục Lao động cho biết, Tết là 1 ngày lễ quan trọng nhất trong 1 năm của xã hội người Hoa, hoan nghênh tất cả người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập tại Đài Loan đến tham dự hoạt động này, hãy xem Đài Loan là quê hương thứ hai của bạn.”

Thực tế ai cũng thấy, nhà nước VN hưởng lợi nhờ xuất khẩu lao động. Khi tạo ra việc làm không nổi, thôi thì níu áo tư bản quốc tế vậy.

Cho nên, báo Thanh Tra ngày 30-1-2014 nói cụ thể: “Xuất khẩu lao động - hướng đi thoát nghèo.”

Bản tin báo này kể về tỉnh Vĩnh Phúc, dĩ nhiên là có tô màu hồngc ho đẹp:

“Những năm qua, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hiệu quả của công tác XKLĐ đã góp phần giải quyết việc làm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Những ngày đầu năm 2015, chúng tôi có dịp trở lại xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch) một trong những xã đi đầu của tỉnh Vĩnh Phúc về công tác đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cảm nhận đầu tiên là làng quê nghèo ngày nào đã có sự thay da đổi thịt; đường sá thông thoáng, phẳng phiu; những nhà lá tạm bợ đã được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang; dọc hai bên bờ sông Lô tấp nập cảnh thuyền bè đi lại, trên bờ hàng trăm chiếc thuyền đang chờ ngày được xuất xưởng.

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho biết, sự khá giả này là nhờ XKLĐ. Năm 2006, khi làn sóng XKLĐ thổi tới Sơn Đông, lác đác có vài người trong xã tìm đường sang Đài Loan giúp việc gia đình. Người đi trước rước người đi sau tạo thành phong trào XKLĐ trong xã, góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Đến nay, cả xã có gần 200 người ra nước ngoài làm việc. Thôn, xóm nào của xã cũng có người đi XKLĐ, có nhà có đến 4 người cùng đi XKLĐ.

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi tìm đến gia đình anh Hoàng Thanh Sơn, thôn Đẽn, xã Sơn Đông vừa hết hợp đồng trở về nước được 4 tháng. Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, anh Sơn chia sẻ: "Gia đình anh thuộc hộ nghèo nhất xã, nhà tranh vách lá, thiếu ăn là chuyện thường ngày. Năm 2006, khi phong trào XKLĐ phát triển, cha mẹ vay mượn cho anh trai của anh đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Một thời gian sau, anh trai anh gửi tiền về trả nợ ngân hàng và giúp đỡ gia đình, từ đó gia đình anh đã thoát nghèo và có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đến năm 2008, anh trai anh bảo lãnh cho anh sang Hàn Quốc làm việc". …”

Nghĩa là, nhờ Đài Loan và nhờ Hàn Quốc – hai quốc gia đã đứng bên cạnh Hoa Kỳ và Miền Nam VN trong thời VNCH ngăn cản làn song chủ nghĩa cộng sản.

Có điều gì bi hài ở đây không? Phải chăng, thiên đường xã hội chủ nghĩa chỉ có nghĩa là xuất khẩu lao động để đi làm thuê ở “các nước tư bản giãy chết” và từng là thù nghịch trong “cuộc chiến thần thánh xẻ dọc Trường Sơn” một thời?

Đã có bao nhiêu triệu người chết rồi nhỉ, để rồi dân mình đi chăm sóc người già yếu bệnh ở xứ Đài, nước Hàn?

No comments:

Post a Comment