2/21/2015

Năm Ất Mùi và Triển Vọng của Phong Trào Dân Chủ Trên Thế Giới

(Gs Nguyễn Lý-Tưởng phát biểu trên Đài Phát Thanh Việt Nam, chương trình “Những Vấn Đề Hôm Nay” do Mai Ly và Hồng Phúc thực hiện vào tối Chúa nhật 8 tháng 2/2015 từ 8:00 pm-9:00pm giờ Oklahoma và từ 6:00pm--7:00 pm giờ Cali).


Gs Nguyễn Lý-Tưởng:
Trong thập niên 1990, phong trào đấu tranh đòi hỏi xóa bỏ chế độ độc tài, thực hiện chế độ dân chủ đã thành công tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô. Đáng lẽ ra, Việt Nam cũng đã xóa bỏ chế độ độc tài cộng sản để chuyển qua chế độ dân chủ trong thời điểm đó. Vì đó là khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam từ 1945 đến nay. Nhưng bọn lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã bỏ qua cơ hội nghìn năm một thuở nầy để chạy đến tình nguyện làm tay sai cho Trung Cộng, dâng đất, dâng biển để được Trung Cộng bảo vệ, tiếp tục duy trì chế độ cộng sản độc tài tại Việt Nam… Mật nghị Thành Đô vào các ngày 3 và 4 tháng 9/1990 giữa Nguyễn Văn Linh (TBT), Đỗ Mười (Thủ Tướng) và Phạm Văn Đồng (Cố Vấn CP) với Giang Trạch Dân (TBT Đảng cộng sản Trung Hoa) và Lý Bằng (Thủ Tướng của Trung Cộng), thỏa thuận dần dần để cho Trung Cộng biến Việt Nam thành một tỉnh của Tàu.
Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, phong trào đấu tranh chống độc tài, đòi thực hiện dân chủ lớn mạnh trên toàn thế giới, các đảng chính quyền dần dần phải lùi bước trước phe đối lập (nói cách khác, phe đối lập càng ngày càng lớn mạnh)… Đó là điều hy vọng cho toàn thế giới và cũng là hy vọng cho Việt Nam… Các phong trào đối lập đã thành công và đã thiết lập chế độ dân chủ nhất là sau khi cộng sản sụp đổ tại Liên Xô và Đông Âu. Trong năm 2014, nhiều nước Châu Á đã xây dựng được những bước tiến vũng chắc trên đường xây dựng dân chủ, dân chúng đã dùng lá phiếu thay đổi đảng cầm quyền và lãnh đạo ở cấp trung ương như tại Indonesia, Ấn Độ hoặc thay đổi lãnh đạo tại các địa phương như tại Đài Loan, Nam Hàn.
Tại Miến Điện, đảng đối lập được hoạt động tự do hơn từ hai năm qua, người đối lập được bầu vào Quốc Hội và đã đưa ra những dự luật cải thiện nhân quyền và đặt vấn đề tu chính Hiến Pháp. Tại Kampuchia, mặc dù đảng Cộng Sản nắm chính quyền nhưng đảng đối lập đã thắng lợi lớn khiến cho đảng Cộng Sản của Hunsen phải nhượng bộ và hứa hẹn sẽ cải tổ hệ thống bầu cử cho công bằng và tự do hơn. Tại Ấn Độ, từ trước tới nay xem như Đảng Quốc Đại là đảng mạnh nhất, nắm chính quyền, nhưng trong năm qua dân Ấn Độ đã đưa dảng đối lập (viết tắt là BJP) lên nắm chính quyền, đây là lần thứ hai đảng đối lập BJP lãnh đạo quốc gia.
May mắn là nước Ấn Độ có một guồng máy tổ chức bầu cử đúng đắn, hoàn toàn độc lập với đảng cầm quyền. Mới đây, dân Ấn Độ đã bầu ông Narendra Modi lên làm Thủ Tướng. Ông là người xuất thân từ giới bình dân. Đảng của ông chiếm 283 ghế trong tổng số 545 ghế Quốc Hội. Đảng Quốc Đại chỉ còn 44 ghế! Ông Modi tuyên bố “Giản dị hóa guồng máy hành chánh kềnh càng và trì trệ; nâng cao quyền của phụ nữ ngang hàng với nam giới, tạo thêm công ăn việc làm cho giới công nhân”.
Tại Indonesia, một người gốc bình dân cũng được bầu lên làm Tổng Thống. Indonesia là một nước Hồi Giáo nhưng người dân không bị ảnh hưởng tôn giáo trên vấn đề chính trị. Tại Nam Hàn, người dân qua cuộc bỏ phiếu đã thay đổi 4.000 chức vụ dân cử tại địa phương. Mặc dù Bà Park Geun-hye (Phác Cẩn Huệ) đang nắm chính quyền nhưng phe đối lập vẫn thắng tại các địa phương. Cuộc bỏ phiếu vào cuối tháng 11/2014 tại Đài Loan, Quốc Dân Đảng là đảng nắm chính quyền đã thua phe đối lập, có đến 11,130 người trong chính quyền tại các địa phương bị thay thế… Một số nước Bắc Phi (chẳng hạn như Tunisie) cũng đã có một Hiến Pháp dân chủ. Sau đó, nhà cầm quyền đã tổ chức các cuộc bầu cử Quốc Hội, kết quả, đảng dối lập đã lên nắm chính quyền.
Tại Việt Nam, thực sự phe đối lập cũng đang lớn mạnh, đặc biệt là sự ra đời của những tổ chức xã hội dân dự, là các tổ chức ngoài chính quyền, do dân tự động đứng lên tranh đấu cho quyền lợi của mình. Đó là bước đầu tiến đến việc thiết lập một nền dân chủ. Đảng Cộng Sản VN chủ trương đàn áp các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là các bloggers. Điều đó chứng tỏ bọn chúng run sợ trước sự lớn mạnh của các Phong Trào Dân Chủ trong nước. Người làm truyền thông ở hải ngoại, phải cố gắng hơn nữa, phải hy sinh hơn nữa để giúp anh em trong nước làm nhiệm vụ chuyển tin tức rộng rãi cho mọi người, giúp người dân nắm bắt tình hình và lên tiếng bênh vực cho họ chống bất công, tham nhũng, độc tài…
Năm Ất Mùi là năm mà chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai của một chế độ dân chủ sẽ đến với dân tộc Việt Nam, sẽ là năm chấm dứt chế độ độc tài cộng sản.
Ý nghĩa những lời phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng: Thực lòng hay chỉ là “hô khẩu hiệu”? Ngày 15/10/2014, Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tai Berlin : “Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người, Việt Nam không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế đó.” Đầu năm 2014, trải qua một năm trong nước tranh đấu đòi bỏ điều 4 Hiến Pháp, Nguyễn Tấn Dũng cũng đọc một bài Diễn Văn hứa hẹn sẽ thực hiện Dân Chủ cho dân…
Năm 2013 là năm tranh đấu mạnh nhất đã qua đi mà không đạt được kết quả gì. Năm 2014 cũng đã qua và Năm Ất Mùi (2015) đang tới. Dưới thời Boris Yeltsin, nước Nga bỏ chế độ độc tài cộng sản và chuyển qua chế độ Dân Chủ. Nhưng sau đó, Vladimir Putin đã đưa nước Nga trở lại chế độ độc tài như hiện nay (mặc dù không còn chế độ độc tài của cộng sản như ngày xưa, nhưng cũng là một hình thức cai trị độc tài). Các nền dân chủ như ở Nigeria, Pakistan, Kenya, Venezuela, Bangladesh, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…vẫn còn yếu ớt và thường xuyên bị đe dọa bởi phe chính quyền (nghiêng về độc tài).
Tại Trung Đông, cuộc cách mạng Mùa Xuân chỉ có Tunisie là thành công. Còn Ai Cập và các nước khác thì rơi vào cảnh hỗn loạn, có khi trở lại chế độ độc tài. Ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới, người ta chỉ nghĩ đến bầu cử tự do nhưng chưa hiểu được phải có quyền tự do chính trị và quyền tự do về dân sự, quan trọng nhất là tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do lập đảng đối lập. Dân chúng chưa quen với dân chủ, chưa có văn hóa dân chủ, ai có được chính quyền cũng muốn thâu tóm quyền lực về tay mình và loại trừ phe đối lập. Nói tóm lại chưa quen với trò chơi dân chủ như ở Mỹ, ở Pháp. Phải có người thực lòng, thực tâm muốn có dân chủ thực sự, xây dựng một chế độ dân chủ cho dân.
Ở Việt Nam hiện nay: chỉ có những khẩu hiệu (như kiểu nói của Nguyễn Tấn Dũng) mà chưa có một tấm lòng yêu dân chủ thực sự (yêu dân chủ là yêu dân: dân vi quý). Xem nguyện vọng của dân là điều quan trọng và quyết tâm thực hiện các quyền tự do dân chủ cho dân, không phải chỉ là hình thức mà phải có nội dung.

-- Nguyễn Lý Tưởng

No comments:

Post a Comment