Nghĩ từ cái cúi đầu
Đoàn Khắc Xuyên - 09/02/2015
Người Đô Thị, Xuân 2015 - Giữa vô số những hình ảnh ấn tượng của thế giới năm qua thì ấn tượng nhất, với riêng tôi, là hình ảnh “đại tiểu thư trịch thượng” Cho Hyun Ah, phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ, con gái đầu của tổng giám đốc Cho Yang Ho và cũng là người thừa kế hãng hàng không Korean Air (KAL) vừa đi vừa cúi thấp đầu, mái tóc dài che khuất hết cả khuôn mặt, miệng liên tục nói “Tôi xin lỗi” trước công chúng và các nhà báo khi rời khỏi nhà để theo các công tố viên đến bắt giữ bà để điều tra, vào ngày 30.12.2014.
Người Đô Thị, Xuân 2015 - Giữa vô số những hình ảnh ấn tượng của thế giới năm qua thì ấn tượng nhất, với riêng tôi, là hình ảnh “đại tiểu thư trịch thượng” Cho Hyun Ah, phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ, con gái đầu của tổng giám đốc Cho Yang Ho và cũng là người thừa kế hãng hàng không Korean Air (KAL) vừa đi vừa cúi thấp đầu, mái tóc dài che khuất hết cả khuôn mặt, miệng liên tục nói “Tôi xin lỗi” trước công chúng và các nhà báo khi rời khỏi nhà để theo các công tố viên đến bắt giữ bà để điều tra, vào ngày 30.12.2014.
Cho Hyun Ah cúi thấp đầu, miệng liên tục nói “Tôi xin lỗi” trước công chúng. Ảnh: AP
Bà Cho bị bắt theo trát tòa để điều tra về hành vi vi phạm luật hàng không, ép buộc và can thiệp vào việc thi hành nhiệm vụ của phi hành đoàn. Trước đó, vào ngày 9.12 bà Cho cũng đã công khai xin lỗi và từ bỏ mọi chức vụ trong hãng hàng không “để chịu trách nhiệm về những gì đã gây ra” sau vụ bà mắng chửi tiếp viên phục vụ hạt macadamia đã không đổ hạt ra đĩa mà để nguyên trong bao và bắt tiếp viên trưởng của chuyến bay New York - Seoul quỳ gối cũng như dùng quyền lực buộc chiếc máy bay này quay trở lại điểm xuất phát tại sân bay New York để đuổi tiếp viên trưởng khỏi máy bay, khiến máy bay sau đó hạ cánh xuống Seoul trễ 11 phút vào ngày 5.12. Vụ việc đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong công chúng Hàn Quốc. Cho Hyun Ah bị công luận lên án vì thái độ trịch thượng, hống hách bởi cô xuất hiện trên chuyến bay không phải với tư cách một nhân viên cấp cao đang thi hành công vụ mà với tư cách một hành khách. Hơn nữa, theo quy định máy bay chỉ quay về nhà ga trong trường hợp khẩn cấp như khi thiết bị hư hỏng chứ không phải chỉ để đuổi một thành viên của phi hành đoàn vì lỗi phục vụ đồ ăn không đúng cách.
Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cũng tuyên bố trừng phạt nghiêm khắc tám quan chức của bộ vì đã điều tra thiếu công bằng và trung thực vụ việc này. Một điều tra viên của bộ cũng bị bắt vì tội tiết lộ các chi tiết của cuộc điều tra cho quan chức KAL. Một giám đốc điều hành KAL cũng bị bắt vì tội phá hủy bằng chứng điều tra vụ việc.
Bao giờ chúng ta, cả quan chức và người dân, đoạn tuyệt với bệnh đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh về những yếu kém của mình, của dân tộc mình; biết cúi đầu nhìn thẳng vào sự thật, vào những khuyết tật của mình để từ đó tìm cách đi lên?
Thực ra hình ảnh đại tiểu thư Cho Hyun Ah cúi thấp đầu để mái tóc che mặt và nói “Tôi xin lỗi” khi bị bắt lẫn khi công khai xin lỗi và tuyên bố từ bỏ chức vụ không chỉ là câu chuyện liên quan đến cá nhân bà, đến việc nhìn nhận lỗi lầm của bà. Nó nói lên một sự thay đổi lớn trong văn hoá ứng xử và trong văn hoá chính trị của xã hội Hàn Quốc, nhờ đó mà quốc gia này phát triển như ta thấy. Về văn hóa ứng xử, với ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo từ trong gia đình đến ngoài xã hội, trong công ty, cơ quan nhà nước, chúng ta thường quen với hình ảnh cấp dưới răm rắp thi hành mệnh lệnh của cấp trên và “bề trên” tha hồ “xài xể” cấp dưới như đại tiểu thư Cho “xài xể” tiếp viên trưởng chuyến bay. Thế nhưng phản ứng bất bình của công luận trước vụ việc cho thấy thứ văn hóa ứng xử mang nặng tính tôn ti trật tự kiểu Khổng giáo ấy đang bắt đầu bị lên án. Bên cạnh đó, sau khi chuyển biến từ nền độc tài sang nền dân chủ, văn hóa chính trị của Hàn Quốc cũng đã thay đổi mạnh mẽ để khẳng định sự minh bạch và công tâm của nhà nước trong hành xử, sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.
Cũng cần nhắc lại là trước đó, cũng trong năm 2014, vào ngày 16.4 chiếc phà Sewol chở 450 người, chủ yếu là học sinh trung học, đi từ thành phố Incheon đến Jeju bị chìm, nguyên nhân là do rẽ gấp. Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã ra lệnh dùng 171 chiếc tàu, 29 máy bay và 30 thợ lặn để cứu được nhiều người nhất có thể. Tuy nhiên, kết quả chỉ có 172 người sống sót, 295 người thiệt mạng. Thủ tướng Chung Hong-won trong phát biểu từ chức đã nói: “Điều đúng đắn tôi cần làm hiện nay là nhận trách nhiệm và từ chức”, và nói rõ ông nhận thấy trong xã hội Hàn Quốc vẫn tồn tại nhiều sai phạm, nhiều hành động sai trái và hy vọng mọi người sẽ sửa chữa, khắc phục để ngăn chặn những tai nạn đau lòng như thế tiếp tục xảy ra.
Không chỉ nhận trách nhiệm về mình, ông thủ tướng còn nhìn thẳng vào sự thật về những yếu kém còn tồn tại trong sự vận hành của xã hội, trong guồng máy nhà nước Hàn Quốc để nêu quyết tâm khắc phục. Với những quan chức nhà nước thành khẩn, không tránh né sự thật như vậy, với văn hoá chính trị công khai, vì sự tiến bộ của xã hội như vậy, bảo sao họ không thành công.
Không lạ gì khi phía dưới những tin tức liên quan đến vụ “đại tiểu thư trịch thượng” nhà họ Cho được đăng trên một tờ báo online trong nước, người đọc Việt Nam lập tức liên tưởng, đối chiếu với thực tế của đất nước mình khi viết những bình luận (comment) kiểu như: “Nếu ở Việt Nam chúng tôi, bà chỉ cần “rút kinh nghiệm“ là xong”, “Bộ trưởng và các quan chức bộ Giao thông của ta nên học tập cách làm việc rất nghiêm túc này của Hàn Quốc”, “Hàn Quốc làm quá nghiêm và minh bạch, đó là vì sao họ là một nước phát triển nhanh”, “Ôi, đây mới là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, tôi thích luật pháp ở đất nước này, nghiêm minh và công tâm”, “Các cơ quan tư pháp và hành pháp Việt Nam nên học và tiếp thu gương thực thi công lý đó. Chứ cứ mãi như hiện nay thì còn lâu, rất lâu mới đuổi kịp ASEAN, nói gì đuổi kịp thế giới”, “Ở Việt Nam cái gì cũng tại, bị, khách quan, văn hóa... hỏi tại sao kém phát triển?”, “Thêm một minh chứng lý giải tại sao Hàn Quốc lại đạt được những bước phát triển thần kỳ đến như vậy! Dăm ba thập kỷ trước Hàn Quốc có hơn gì ta đâu!”…
Nhìn lại đất nước mình, đường đến đó liệu còn xa? Bao giờ chúng ta, cả quan chức và người dân, đoạn tuyệt với bệnh đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh về những yếu kém của mình, của dân tộc mình; biết cúi đầu nhìn thẳng vào sự thật, vào những khuyết tật của mình để từ đó tìm cách đi lên? Viết đến đây, bỗng nghĩ đến những bãi rác khổng lồ mà người ta đã vứt lại tràn lan ở những nơi tụ tập để xem bắn pháo bông đêm giao thừa Tết tây vừa qua. Để đi đến văn minh, trách ai?
Đoàn Khắc Xuyên
Đoàn Khắc Xuyên
_______________
* Ngày 19.1, Cho Hyun-ah, con gái Chủ tịch hãng hàng không hàng đầu Hàn Quốc Korean Air đã ra hầu tòa với cáo buộc vi phạm các quy định an toàn hàng không, sau khi có hành xử gây bức xúc dư luận Hàn Quốc trên một chuyến bay. Nếu bị kết án, Cho có thể đối mặt với mức án 15 năm tù giam. Trong phiên tòa hôm qua, Cho thừa nhận cáo buộc cho rằng cô tấn công một tiếp viên trên chuyến bay, nhưng phủ nhận cáo buộc cho rằng cô tấn công một tiếp viên khác. Các luật sư bảo vệ Cho nói, cô này muốn bày tỏ lời “xin lỗi sâu sắc” tới các hành khách và tiếp viên trên chuyến bay bị Cho làm ảnh hưởng.
sao lại vi phạm thế chị, kệnh là con chủ tịch mà hoành tráng ah, cuộc sống ko như chị nghĩ đâu nhá, ăn hạt điều để giảm stress nhá chị
ReplyDeletehạt điều
hạt điều rang muối