Trang “Phản động” Nào đáng Sợ Nhất?
“Thời
gian qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin vu khống, bịa đặt,
nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Những thông tin kiểu này
đang âm thầm phát tán, gây sự dao động hoang mang trong các tầng lớp
nhân dân”.
Đó
là những điều Đảng đang lo lắng trong thời gian qua. Nhưng chúng ta hãy
xem lại những trang nào thật sự làm nhà cầm quyền phải lo sợ.
Không sợ Hải ngoại?
Từ khi xuất hiện Internet, hải ngoại đã lập ra nhiều trang “phản động”, những trang này nhiều không đếm xuể.
Có nhiều trang chỉ cần vào đã thấy mùi “phản động” với ngôn từ xấu xí về những lãnh tụ Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khó
mà tìm được những cách miệt thị nặng nề hơn về Việt Nam hơn những trang
này. Nhưng lạ là nó chẳng gây sự lo lắng nào đến Hà Nội cả.
Cũng dễ hiểu thôi, vì chỉ nói xấu mà không có sự logic trong lập luận và dẫn chứng xác thực thì chẳng mấy ai tin.
Những
trang kiểu này đâm ra phản tác dụng vì không gây ấn tượng gì ngoài việc
làm cho người đọc nghĩ rằng đó là thành phần lưu vong còn tư tưởng thù
hằn dân tộc.
Điều này cũng dễ dàng giải thích: ở Mỹ thì lấy đâu ra thông tin bí mật từ Việt Nam - nơi cách xa nửa vòng trái đất.
Nhưng nghịch lý là người dân Việt Nam lại hoàn toàn mù tịt về nơi mình đang sống.
Vấn
đề đã rõ: Nơi có thông tin thì không được đăng, mà nơi được đăng thì
không có thông tin. Cuối cùng cũng có cách để giải bài toán này: Lấy
thông tin nội bộ để đăng ở trang nước ngoài.
Người ta nói “tam sao thất bản”, càng xa thì thông tin càng thiếu chính xác, ngược lại càng gần thì càng nhiều độ tin cậy.
Và
điều gì xảy ra nếu thông tin bắt nguồn ở ngay chính trung tâm quyền
lực? Chắc chắn nó sẽ gây nên một cơn địa chấn làm náo loạn đời sống
chính trị.
Từ
trước tới nay, trong lịch sử mấy chục năm của hàng trăm trang “phản
động”, chỉ có duy nhất hai trường hợp làm được điều trên (gây một cơn
địa chấn), đó là “Quan làm báo” và “Chân dung quyền lực”.
Và
cứ theo những phân tích ở trên, hai trang này không thể là trang “hải
ngoại”, những việc mà nó làm quá sức của “thế lực phản động”.
Thêm
một lý do nữa khẳng định cho giả thuyết trên: “Quan làm báo” và “Chân
dung quyền lực” có một điểm chung, đó là toàn ra đời vào những thời điểm
hết sức nhạy cảm.
Nếu
thực sự là trang của hải ngoại thì lúc nào chả đánh phá được. Mục đích
của các trang này là phế bỏ sự lãnh đạo của Đảng thì cần gì phải chờ dịp
họp Ban chấp hành Trung ương?
Lẽ
ra “thế lực thù địch” phải vào nhằm vào những ngày lễ quan trọng nhất
của đất nước như Quốc khánh 2/9, Giải phóng miền Nam 30/4 hay thành lập
Đảng 3/2. Đấy mới là những ngày đánh dấu bước chân quyền lực của Đảng
lên đất nước Việt Nam.
Thực
tế thì sao: chẳng có thông tin nhiễu loạn nào xảy ra trong những dịp
này cả. Các thông tin “nhảm nhí”, “xấu độc” chỉ xuất hiện vào dịp Hội
nghị Ban chấp hành Trung ương - nơi đấu đá của các phe phái trong nội bộ
Đảng.
Với “bọn phản động” thì phe nào lên nắm quyền cũng vậy thôi, nên “chúng” nói xấu tất tần tật.
Nhưng
hai trang nổi bật nhất kể trên thì lại “bôi nhọ” một cách có chọn lọc:
“Quan làm báo” nhằm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn “Chân dung quyền
lực” thì lại chĩa mũi dùi vào phía của đối thủ của ông này.
Không thể “bỏ vào thùng rác”
Bộ
trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son nói phải bỏ những
thông tin ấy “vào thùng rác”, tức coi đó là những thứ đáng vứt đi.
Chúng ta hãy xem những thông tin đó có phải là rác rưởi không:
“Quan
làm báo” là nơi đưa tin đầu tiên về việc Bầu Kiên bị bắt, còn “Chân
dung quyền lực” là về tình hình sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh.
Ban
đầu, người dân cũng không mấy quan tâm đến những trang này và coi nó
chỉ là một trong bao nhiêu thứ linh tinh trên mạng. Nhưng mọi việc bỗng
quay ngoắt 180 độ khi những thông tin này được thực tế chứng minh là
chính xác.
Niềm tin không tự dưng mà có ông Nguyễn Bắc Son ạ, và khi dân đã tin tưởng, họ sẽ không coi đó là thứ đáng bỏ vào thùng rác.
Còn
Đảng thì sao, Đảng có coi đó là rác không? Với hành động cấp tốc ra chỉ
thị, nêu tên đích danh như vậy không giống với “bỏ vào thùng rác” chút
nào, đó rõ ràng là những thứ rất đáng quan tâm.
Một
điều nữa là nhà cầm quyền một mực khẳng định các blog đưa tin bịa đặt,
nhưng khi nó chứng minh được sự chính xác thì không thấy xin lỗi mà tiếp
tục cho rằng nó “xấu độc”, “sai trái”.
Cứ
như thế chả trách người dân thích đọc thông tin “ngoài luồng” hơn thông
tin “chính thống”. Quả là ngược đời khi so sánh với báo chí nước ngoài
khi những tin đóng dấu Official (chính thức) mới là thứ đáng tin tưởng.
Bộ
trưởng Nguyễn Bắc Son nói phải vứt bỏ 'vào thùng rác' những thông tin
trên các trang như 'Quan làm báo' và 'Chân dung quyền lực'
Sự
ngược đời ở Việt Nam đã tới mức mà người dân đúc kết thành câu: Cứ cái
gì Ban tuyên giáo khẳng định là sai thì điều đó chắc chắn đúng.
Thế
cho nên không có chuyện các trang này tự động bị người dân “nhanh chóng
quay lưng”, “tẩy chay” như Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son áp đặt đâu. Nếu
được như thế thì ông chẳng việc gì phải nhắc lại tên mấy trang này cho
mệt.
Tóm
lại, Đảng không sợ “phản động” nước ngoài, Đảng chỉ sợ các Đảng viên
cao cấp trong nước mà thôi. Nguồn gốc của các blog nguy hiểm có lẽ không
bao giờ xác minh được, vì nếu làm đến cùng thì biết đâu phải gọi các
đồng chí là phản động? Mà nếu mỗi đồng chí lại có một trang thì e chừng
“vỡ hết cả bình”.
Nhưng
từ đó cũng phải thấy khâm phục tài năng của Đảng, thù trong giặc ngoài
như thế mà vẫn giữ được chế độ thì rất đáng nể. Có lẽ Đảng nên ghi thêm
điều này vào bảng thành tích đã làm được khi tổ chức Đại hội vào năm
sau.
Tuy
nhiên cứ với tình trạng “Chân dung quyền lực” vẫn ngang nhiên hoạt động
thế này, e rằng những xấu xa của Đảng sẽ bị “người nhà” phơi bày hết ra
công chúng và có vẻ người dân thích “quay lưng” với Đảng hơn là “tẩy
chay” những trang bí ẩn chuyên cung cấp thứ “độc hại” kia.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của người viết, một độc giả BBC từ Hà Nội.
No comments:
Post a Comment